Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên bày tỏ quan điểm ủng hộ đối với cả hai dự án xây dựng trình Quốc hội, gồm dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận và Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Đại biểu đánh giá dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã có quá trình chuẩn bị kỹ từ lâu, Quốc hội cũng đã bố trí, hỗ trợ nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng đến nay dự án còn tiến hành chậm tiến độ. Đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ nguyên nhân, trong đó tập trung làm rõ các nguyên nhân chủ quan, để rút kinh nghiệm cho quá trình triển khai trong các giai đoạn tiếp theo.
Về dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận, đại biểu cho biết, tuyến đường đi sát vào khu bảo tồn quốc gia, nên cần đặt biệt chú ý đến công tác bảo tồn, phải có phương án thi công cụ thể, có phương án phục hồi, trồng rừng thay thế.
Đại biểu nhấn mạnh, cần mở rộng diện tích khu bảo tồn ở phạm vi xung quanh để bù lại diện tích rừng thay vì trồng lại lẻ tẻ ở nhiều xã, hay ở đất rừng sản xuất.
Góp ý về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho biết, Bình Thuận được biết đến là một trong những địa phương khô hạn nhất cả nước.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông bày tỏ cảm kích sự ủng hộ của đại biểu và bày tỏ thống nhất cao với nội dung Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về sự cần thiết điều chỉnh chung cư dự án với tổng số vốn dự kiến điều chỉnh là 874 tỷ đồng.
Để triển khai có hiệu quả dự án, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho công trình, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án đến hết năm 2025, chậm hơn 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết 93.
Dự án hồ chứa nước Ka Pét, nếu không xét về yếu tố rừng tự nhiên phải trình Quốc hội cho chủ trương đầu tư, quy mô dự án chỉ tương đương với công trình, dự án nhóm A. Vì vậy, để giảm bớt các thủ tục hành chính trong phê duyệt, thẩm định dự án rút ngắn thời gian đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, khắc phục sự chậm trễ như đã xảy ra, đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với dự án này.
Theo đó, giao cho tỉnh Bình Thuận phê duyệt dự án theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư dự án thực hiện tương tự như dự án nhóm A.
Về chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C, đường tỉnh ĐT 656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận, đại biểu bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội, đây cũng là mong muốn của cử tri và Nhân dân có dự án đi qua.