Ứng phó siêu bão Noru: Sẵn sàng sơ tán gần 370.000 dân tại các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp

(VOH) - Dự báo bão Noru (bão số 4) với tốc độ di chuyển nhanh, đây là cơn bão mạnh, ảnh hưởng trên phạm vi rất rộng.

Chiều 25/9, Phó thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Quốc gia - chủ trì họp với các bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Phó thủ tướng nhấn mạnh dự báo bão Noru (bão số 4) với tốc độ di chuyển nhanh, đây là cơn bão mạnh, ảnh hưởng trên phạm vi rất rộng. Theo ông, những cơn bão có cường độ lớn cấp 13 đến cấp 16 thì ảnh hưởng rất lớn, thiệt hại tới tài sản, tính mạng của nhân dân. Qua thống kê năm 2017 có 2 cơn bão mạnh cấp 12 và cấp 13. Cơn bão số 12 năm 2017 làm 107 người chết và mất tích, thiệt hại hàng chục nghìn tỉ đồng.

Với siêu bão Noru lần này, Phó thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh tinh thần tập trung, lãnh đạo chỉ đạo từ sớm, từ trung ương tới địa phương. "Dự kiến bão mạnh cấp 13, giật cấp 16 ảnh hưởng rất lớn, rất khó để triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn. Trên cơ sở tình hình thực tiễn tại địa phương, phải rà soát kỹ tất cả cơ sở vật chất, cơ sở xung yếu, có giải pháp để thống nhất trước khi bão đổ bộ" - ông nói.

Ứng phó siêu bão Noru: sẵn sàng sơ tán gần 370.000 dân tại các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp 1
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai nhằm ứng phó bão Noru - Ảnh VGP

Khẩn cấp kêu gọi 127 tàu thuyền đang trong vùng nguy hiểm

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đã tổ chức kêu gọi, kiểm đếm, hướng dẫn cho 57.840 tàu với hơn 300.000 lao động. Đặc biệt, trong 24 giờ tới (theo hệ thống giám sát tàu cá), cần phải kêu gọi 127 tàu trong vùng nguy hiểm (Bình Định 100 tàu, Quảng Ngãi 24 tàu, Quảng Nam 1, Phú Yên 2).

Đến trưa nay (25/9), nguồn tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa cho biết, hiện có 729 tàu cá của địa phương này cùng với 4.467 ngư dân đang khai thác thủy sản trên biển. Trong số đó có 70 tàu cá với 742 ngư dân ở vùng biển Trường Sa, 631 tàu cá với 3.436 ngư dân hành nghề trên vùng biển Khánh Hòa đến Bình Thuận và 28 tàu cá với 292 ngư dân hành nghề vùng biển Vũng Tàu đến Kiên Giang - không có tàu cá nào nằm trong tầm nguy hiểm của cơn bão Noru.

Ứng phó siêu bão Noru: sẵn sàng sơ tán gần 370.000 dân tại các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp 2
Bộ đội biên phòng Khánh Hòa tuần tra trên vịnh biển Cam Ranh - Ảnh: CAND

Chuẩn bị phương án sơ tán hơn 93.000 hộ dân

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo sẵn sàng các biện pháp ứng phó với bão gần Biển Đông.

Các tỉnh từ Quảng Bình - Bình Thuận rà soát phương án sơ tán dân với tổng số 213.914 hộ/868.230 người, trong đó các tỉnh trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi sẵn sàng phương án sơ tán 93.312 hộ/368.878 người tùy theo diễn biến của bão.

Ứng phó siêu bão Noru: sẵn sàng sơ tán gần 370.000 dân tại các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp 3
Người dân phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn bơm nước vào thùng nhựa chằng mái tôn chống bão - Ảnh: TTO

Tại Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị các sở, ngành, địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát, chủ động di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven biển, ven sông, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước; thông báo cho tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của bão, tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào phạm vi ảnh hưởng hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với thuyền trưởng, chủ các phương tiện để xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra…

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đã có công điện, yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan quản lý chặt chẽ việc ra biển hoạt động của các tàu, thuyền. Chủ động cấm tất cả các phương tiện tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) khi vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Các huyện, thị xã, thành phố, nhất là các huyện Bình Sơn, Lý Sơn, Trà Bồng và TP Quảng Ngãi trên cơ sở Phương án ứng phó thiên tai năm 2022 đã được phê duyệt, xây dựng kịch bản chi tiết với tình huống bão cấp 11, 12 ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn, gồm số lượng hộ, khẩu di dời, sơ tán; địa điểm đến; phương tiện hỗ trợ, lực lượng; người chỉ huy, gửi về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh trước 9g ngày 26/9.

Thủy điện Sông Ba Hạ cảnh báo điều tiết nước về hạ du
Trưa 25/9, Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ ở Phú Yên cho biết, do thời tiết ở Tây Nguyên trong những ngày qua có mưa vừa và mưa to, khiến cho mực nước thượng nguồn sông Ba dâng cao, lưu lượng nước qua hồ chứa Đăk Srông 3B lúc 8g sáng cùng ngày là 800 m3/s và đang tăng thêm.
Dự báo lưu lượng nước về hồ Thủy điện Sông Ba Hạ trong 12 giờ tới từ 1.200 – 1.600 m3/s, nên Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ vận hành điều tiết hồ chứa. Theo đó, từ 11h trưa 25/9, lưu lượng nước điều tiết qua tràn 700 m3/s, tổng lưu lượng nước đổ về hạ du sau khi điều tiết nước qua tràn là 1.100 m3/s, trong đó có 400 m3/s qua tua-bin. Từ 13g chiều 25/9 điều chỉnh tổng lưu lượng nước về hạ du sau khi điều tiết nước qua tràn là 1.300 m3/s. Từ 15g chiều 25/9, tổng lưu lượng nước về hạ du sau khi điều tiết nước qua tràn là 1.500 m3/s.

Để đảm bảo an toàn tính mạng con người và tài sản ở vùng hạ du ở Phú Yên, Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ đề nghị người dân khẩn trương di dời gia súc, gia cầm, hoa màu, tài sản rời khỏi khu vực điều tiết nước, đồng thời không được vượt qua những những vùng trũng có nước sâu nguy hiểm để chủ động phòng tránh thiệt hại có thể xảy ra.