Chờ...

Ứng phó siêu bão Yagi: Thanh Hóa cấm biển từ trưa 6/9

THANH HÓA - Trước những diễn biến phức tạp của siêu bão Yagi (bão số 3), UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành công điện yêu cầu cấm biển từ 12 giờ ngày 6/9.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương rà soát kỹ, triển khai ngay công tác bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển, đảo; bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền trên biển; đặc biệt là tàu thuyền đang còn hoạt động ở khu vực vịnh Bắc Bộ, ven biển từ Hà Tĩnh trở ra và tại nơi tránh trú.

Bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, tàu thuyền tại nơi tránh trú, khu vực có nguy cơ ngập sâu do sóng lớn, nước dâng, mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn.

Trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

tau-ca-neo-dau
Tàu thuyền của bà con ngư dân neo đậu tại cảng cá Lạch Hới, thành phố Sầm Sơn - Ảnh: TTO

Đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.

Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi có bão, lũ.

Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ; xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, tàu thuyền, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão.

Bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người, tài sản.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng thường trực chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực chỉ huy phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Sau khi cấm biển, lực lượng chức năng phải kiên quyết không cho tàu thuyền rời bến nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân.

Theo báo cáo nhanh, toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 6.116 phương tiện, 19.901 lao động nghề biển, hoạt động trên các vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Biển đông và tỉnh Thanh Hóa. Đến trưa 5/9, Thanh Hóa vẫn còn 882 phương tiện tàu thuyền với 5.350 lao động hoạt động trên biển. Tất cả các tàu, thuyền đã nhận được thông báo và đang tìm nơi tránh trú bão.