Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra đề án sắp xếp các đơn vị hành chính tại TPHCM

(VOH) - Sáng 14/11, tại phiên họp toàn thể lần thứ 31, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019- 2021 và thành lập TP Thủ Đức. 

Tham dự buổi làm việc, về phía thành phố có ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Thành Phong –Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố. Dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn và các thành viên của Ủy ban pháp luật của Quốc hội.

Tờ trình của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày cho biết hồ sơ đề án của UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã bảo đảm các nội dung theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội, của Chính phủ và Bộ Nội vụ. Sau khi thực hiện sắp xếp và thành lập còn lại 22 đơn vị gồm: 1 thành phố, 16 quận và 5 huyện (giảm 3 quận và tăng 1 thành phố). Tờ trình cũng nêu rõ sự cần thiết thành lập Thành phố Thủ Đức.

Toàn cảnh phiên họp. 

Theo đó, khu vực quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức hiện nay có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối các tuyến giao thông huyết mạch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Sự phát triển mạnh mẽ về tài chính ngân hàng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và tốc độ đô thị hóa đã dẫn tới dân cư tập trung ở mật độ cao, yêu cầu cần tập trung quản lý Nhà nước thống nhất trên địa bàn 3 quận, tạo điều kiện kinh tế xã hội tiếp tục phát triển xây dựng nơi đây trở thành một đô thị sáng tạo, tương tác cao, là động lực phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều đó đòi hỏi phải tổ chức lại đơn vị hành chính thông qua việc sáp nhập 3 quận thành một đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền đô thị đủ mạnh, phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nêu rõ: “Việc sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập thành phố Thủ Đức là cần thiết, tiền đề pháp lý tổ chức mô hình chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính  nhà nước trên địa bàn; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước, giảm biên chế và nâng cao hiệu lực hiệu quả trong hoạt động của chính quyề.”

Thẩm tra đề án này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với phương án sắp xếp 19 đơn vị hành chính cấp xã và hình thành 9 đơn vị hành chính cấp xã mới, đồng thời cũng tán thành việc thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở bảo đảm cơ sở chính trị, pháp lý.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Trí Thức cho biết: ”Đề án có 2 nội dung là sắp xếp các đơn vị hành chính và thành lập TP Thủ Đức. Cả 2 nội dung này đều được các đại biểu nhất trí và nhiều ý kiến rất hoan nghênh TP trong quá trình sắp xếp đã thành lập TP trực thuộc TP. Đây là một bước tiên phong đổi mới chính quyền đô thị của TP nói riêng và của cả nước nói chung.”

Nhiều ý kiến đại biểu đánh giá Thành phố Thủ Đức cơ bản đạt 5/5 tiêu chuẩn của thành phố thuộc Thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định và cho rằng không cần có Nghị quyết riêng về nội dung này. Ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội nêu rõ: “Đối với việc thành lập TP Thủ Đức, quan điểm của tôi là đồng tình. Bản chất là chúng ta sắp xếp lại 3 đơn  vị. Thành lập TP trong TP là mới, hiện nay chưa có tiền lệ. Nhưng cùng với dịp sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Việc thành lập một thành phố mới trực thuộc thành phố trên cơ sở nhập 3 đơn vị hành chính là hợp lý, trong tiến trình chung. Và theo tôi không nên tách ra thành NQ riêng, những tiêu chuẩn thành lập thành phố theo báo cáo của Ủy ban thì tôi đồng tình và không có ý kiến thêm.”

Làm rõ thêm một số ý kiến đại biểu quan tâm tại phiên họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính đã được Thành phố cân nhắc và báo cáo Thường vụ Thành ủy, sau đó lấy ý kiến nhân dân theo đúng quy trình. Thành phố cũng đang triển khai nhiều giải pháp để tạo động lực cho Thành phố Thủ Đức. “Vừa qua chúng tôi có một cuộc thi tuyển để xây dựng biết khu này trở thành một khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía Đông thành phố. Với kỳ vọng là khi triển khai xây dựng khu không gian. Ý tưởng sáng tạo này sắp tới sau khi thành phố Thủ Đức được thành lập thì sẽ chiếm từ 30  - 35 % giá trị GDP của thành phố. Và nếu tính trong tổng thể GDP của quốc gia chiếm khoảng 7%. Cho nên kỳ vọng của chúng tôi là cố gắng tạo ra một cơ cấu chính quyền phù hợp.”

Đặc biệt, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố sẽ sớm giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm để góp phần tăng trưởng cho thành phố Thủ Đức. “Hiện nay ưu tiên hàng đầu của Đảng bộ và chính quyền thành phố là giải quyết vấn đề của Thủ Thiêm được ổn thỏa, nếu không ổn thì rất khó cho việc phát triển. Vừa qua Thành ủy đã có Nghị quyết về vấn đề tiếp tục đầu tư xây dựng Thủ Thiêm như thế nào. Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với Thanh tra Chính phủ để giải quyết những kiến nghị, kết luận của Thanh tra Chính phủ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.”

Bình luận