Chờ...

Văn hóa “soi đường quốc dân đi” khơi nguồn “sức mạnh mềm” cho mục tiêu phát triển

(VOH) - Văn hóa “soi đường cho quốc dân đi” là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Phát biểu tại Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá” diễn ra sáng 17/12 tại Bắc Ninh, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng:

Nền văn hoá Việt Nam kết tinh truyền thống quý báu, những giá trị cao đẹp và những bản sắc riêng đa dạng, phong phú, độc đáo đã được hình thành, toả sáng qua nhiều nghìn năm lịch sử.

Kế thừa và bổ sung, phát triển sáng tạo qua hình thành và phát triển văn hoá đất nước và xu thế thời đại, Văn hóa “soi đường cho quốc dân đi”, là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh và bền vững đất nước, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.

Văn hóa “soi đường quốc dân đi” khơi nguồn “sức mạnh mềm” cho mục tiêu phát triển 1
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viên quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TTXVN

Nhận thức đầy đủ về mối quan hệ biện chứng sâu sắc giữa văn hoá và phát triển có nghĩa đặc biệt quan trọng để chúng ta khơi dậy nguồn sức mạnh “mềm” lớn lao.

Hoán chuyển các tài nguyên văn hóa, các giá trị quốc gia, giá trị văn hoá, giá trị gia đình và sức mạnh của con người Việt Nam thành những giá trị phát triển.

Văn hóa không chỉ đặt ngang hàng mà còn thẩm thấu sâu hơn, lan tỏa mạnh hơn, thật sự trở thành “hồn cốt” của các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội trong suốt quá trình phát triển.  

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, trong một thời gian dài, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy được vai trò thúc đẩy các lĩnh vực đời sống xã hội. Nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hoá còn khiêm tốn, chưa thật sự xứng tầm.

Thậm chí, còn có tư duy lệch lạc cho rằng: phát triển văn hoá cần nguồn lực đầu tư lớn, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế rất ít, mà chưa thấy rõ đây là đầu tư cho phát triển bền vững, dài hạn và tạo ra sức sống mới cho kinh tế - xã hội, sự trường tồn và phồn vinh của đất nước.

Với cách tiếp cận mới về vai trò của văn hoá trong phát triển, các chiến lược, kế hoạch và nguồn lực cho phát triển văn hóa vẫn chưa được kết nối đồng bộ với các chiến lược, kế hoạch và nguồn lực phát triển của các ngành, lĩnh vực, chưa đặt trong sự phát triển tổng thể, hài hoà của phát triển quốc gia, văn hoá vùng miền, ông Thắng nhận định.

Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường đã mang lại nhận thức mới về vai trò, giá trị nội sinh của văn hóa.

Đây không phải là lĩnh vực thuần túy tinh thần, phi sản xuất, phi lợi nhuận; không phải là lĩnh vực “chỉ biết tiêu tiền” mà là lĩnh vực trực tiếp mang lại các lợi ích kinh tế.

Nhiều giá trị gia tăng nhờ đa dạng hoá các sản phẩm văn hoá gắn với sản xuất và du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững đã được thực tiễn minh chứng.

Phát triển công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hoá là phương thức để chuyển hóa nguồn tài nguyên “mềm” văn hóa, vốn văn hóa thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trên thị trường.

Tạo ra các nguồn lực kinh tế để tái đầu tư; làm cho văn hóa thẩm thấu sâu hơn, thực sự trở thành một trụ cột năng động trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường.  

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, cần phát huy vai trò của ngoại giao văn hoá, tăng cường giao lưu nhân dân để giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu quốc gia, lan tỏa sức mạnh mềm, tinh hoa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế theo phương châm: Dân tộc, khoa học, hiện đại.

Cả văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, bác học đều có ý nghĩa, vai trò riêng trong sự phát triển văn hóa.

Chính sách văn hóa cần chú ý tới cả “diện” và “điểm”, khuyến khích cả văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, bảo tồn và gìn giữ bản sắc, kế thừa và phát triển tinh hoa văn hoá dân tộc.