Dự án Vành đai 3 TPHCM dài hơn 76 km với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỉ đồng, đi qua địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Dự án chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện hai dự án gồm giải phóng mặt bằng và xây lắp.
Tại TPHCM, tuyến đường dài hơn 47km, tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỉ đồng. Nhu cầu vật liệu cát đắp nền khoảng 7,1 triệu m3, riêng trong năm 2024 cần khoảng 4,7 triệu m3.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông – chủ đầu tư), mặc dù các nhà thầu đã nỗ lực để tìm các nguồn cát đắp nền đường, nhưng khối lượng cát huy động về công trường chưa đáp ứng nhu cầu.
Bên cạnh việc tiếp tục đôn đốc các nhà thầu tập trung, khẩn trương tìm kiếm nguồn cát san lấp, chủ đầu tư đang phối hợp với Tổ công tác vật liệu, Tổ công tác Chính phủ và các địa phương đẩy nhanh tiến độ công tác tìm kiếm nguồn cát san lấp cung cấp cho dự án.
Hiện các địa phương Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre có chủ trương hỗ trợ, cấp cát đắp nền đường cho dự án Vành đai 3.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay là tiến độ triển khai và hoàn thành các thủ tục liên quan để có thể cung cấp cát đắp nền cho dự án.
Theo kế hoạch của các tỉnh, sớm nhất đến tháng 6-2024 mới hoàn thành xong các thủ tục liên quan, khi đó các nhà thầu mới có thể tiếp cận mua thương mại để cung cấp cát về cho dự án.
Việc nhập khẩu cát Campuchia cũng gặp khó khăn. Hiện nguồn cát Campuchia ở Việt Nam được nhập khẩu từ nhiều doanh nghiệp có hợp đồng mua cát với khối lượng nhỏ, việc này có thể dẫn đến giá bán sẽ khác nhau giữa các hợp đồng.
Do đó, Ban Giao thông cho rằng cần thiết phải có doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu có năng lực của Việt Nam để đàm phán với doanh nghiệp Campuchia với khối lượng lớn.