Vệ sinh an toàn thực phẩm: Quản lý từ gốc - Bài 2: Bao giờ nông dân hết trồng rau "bẩn"?

(VOH) - Thực trạng kinh hoàng về “công nghệ” trồng rau muống bẩn tại các quận, huyện sản xuất nông nghiệp của TP.HCM thời gian qua đã gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng. Có lẽ thực trạng này ngày càng trở nên nặng nề hơn khi người trồng rau hết sử dụng các loại thuốc cấm này đến loại phân cấm khác, không tuân thủ quy định của Nhà nước, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Chưa kể đến các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra rất nhiều trong thời gian gần đây.

 

Còn nhớ cách đây không lâu, người tiêu dùng TP.HCM cũng đã một phen hoang mang cực độ khi báo chí phát hiện nhiều người dùng nhớt thải tưới rau muống, thì nay lại đến việc một số nông dân dùng hàng loạt các loại thuốc kích thích không rõ nguồn gốc và một số loại thuốc cấm để sản xuất rau muống.

Việc sử dụng hết loại thuốc nguy hại này đến sản phẩm nguy hại khác không rõ nguồn gốc của người sản xuất rau cả nước nói chung và nông dân TP.HCM nói riêng, quả thật là một mối đe dọa nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Là người hoạt động nhiều năm trong ngành nông nghiệp, tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa tỏ ra rất lo lắng:

 

 

Tổng diện tích trồng rau của TP.HCM tuy rất ít, chỉ 7.770 ha rau các loại, nhưng cung ứng đến 25 – 30% (tức khoảng 219 ngàn tấn/năm) phục vụ nhu cầu tiêu thụ rau của người dân TP. Đây không phải là con số nhỏ. Trong khi đó, chỉ cần một lượng nhỏ rau bẩn cũng đủ đe dọa sức khỏe của hàng ngàn người tiêu dùng.

Làng rau ở Bình Mỹ thuộc xã Bình Mỹ, Huyện Củ Chi, có khoảng 500 hộ. Mỗi hộ làm rau có từ 5 đến 15 công ruộng. Đây được xem là nguồn cung cấp chủ lực rau muống ra thị trường TP.HCM. Theo cán bộ khuyến nông trạm BVTV huyện Củ Chi, người làm rau tại đây đa phần đều từ một số tỉnh ở miền Bắc vào thuê ruộng của dân địa phương trồng rau muống. Lực lượng sản xuất này lại thường xuyên thay đổi, cứ người này đi thì người khác lại đến, nên những người mới đến không đúng đợt tập huấn sẽ không được tham gia. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết là từ trước đến nay do thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên và ngân sách nhà nước đưa xuống nên mỗi quý các trạm BVTV chỉ tổ chức tập huấn một lần. Theo anh Huỳnh Văn Trung – Phó Chủ tịch xã Bình Mỹ, thì lịch tập huấn như hiện nay của Trạm BVTV lá rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của địa phương. Tuy nhiên, theo anh Trung một nguyên nhân nữa, nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đó là ý thức của người sản xuất. Bởi vào năm 2009, địa phương cũng phối hợp với cán bộ trạm BVTV huyện tổ chức kiểm tra phát hiện vài trường hợp, đã xử phạt hành chính nhưng do người dân cố tình tránh né nên cán bộ có đi kiểm tra nhưng không phát hiện được. Mặc dù địa phương cũng đã có rất nhiều họat động để ngăn chặn tình hình này nhưng vẫn không ăn thua gì. Anh Huỳnh Văn Trung bày tỏ, :

 

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đức Tiến – Chi cục trưởng Chi cục BVTV TP.HCM không phủ nhận việc nông dân sử dụng các “công nghệ” trong việc sản xuất rau bẩn. Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng, tỉ lệ này là rất thấp so với con số 4.500 hộ đang sản xuất rau tại TP.HCM. Đây là chuyện “một con sâu làm rầu nồi canh”. Ông cũng chỉ ra không ít khó khăn trong việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát dư lượng và thuốc BVTV như lực lượng thanh tra viên quá mỏng, chỉ có 23 người trên toàn địa bàn TP mà dân nhập cư thuê đất sản xuất nông nghiệp lại chiếm tỉ lệ rất cao. Không riêng gì ở Củ Chi, tại huyện Hóc Môn, có đến 90% nông dân sản xuất rau muống nước là dân nhập cư. Đây được cho là một khó khăn lớn trong việc thanh tra và tập huấn trồng rau an toàn của chi cục BVTV. Với vai trò quản lý nhà nước và là người cầm trịch trong công tác quản lý, kiểm soát dư lượng và thuốc BVTV trên rau ăn lá, để khắc phục tình hình hiện nay, ông Nguyễn Văn Đức Tiến cho biết:

 

 

Đồng thời, trong thời gian tới, Chi cục BVTV cũng sẽ yêu cầu chính quyền địa phương hàng tháng phải có sự phối hợp chặt chẽ trong việc cung cấp danh sách dân nhập cư sản xuất rau trên địa bàn quận, huyện để chi cục có cơ sở mở lớp tập huấn. Qua đó, buộc người sản xuất phải thực hiện cam kết sản xuất rau an toàn, tạo thuận lợi trong kiểm tra và giám sát việc sản xuất rau của người dân.

Theo bà Lý Thị Minh Hòa – Chuyên viên phòng Nông nghiệp huyện Hóc Môn thì người trồng rau tại TP.HCM không đơn thuần chỉ bị áp lực về tiền thuê nhân công, vật tư nông nghiệp cho đến tiền thuê đất sản xuất nông nghiệp cao, đã đội giá thành của rau sản xuất tại TP lên cao, mà chính sự đòi hỏi rau phải ngon, cọng phải non, lá phải xanh, mượt của người tiêu dùng cũng tạo nên áp lực cho người trồng. Vì thế, ngoài việc chạy theo lợi nhuận, việc chạy theo thị hiếu của thị trường cũng là điều mà nông dân đặt ra để rồi họ bất chấp tất cả vẫn sản xuất rau bẩn. Cho nên, bên cạnh việc nhanh chóng và đồng bộ vào cuộc của các cơ quan chức năng liên ngành, để nông dân sớm có ý thức và tự quay lưng với “công nghệ” trồng rau bẩn, bà Lý Thị Minh Hòa cho rằng:

 

 

Nhiều ý kiến cho rằng, lâu nay chúng ta đã nhẹ tay với người sản xuất rau bẩn, hình như các biện pháp như nhắc nhở, phạt hành chính chưa đủ sức răn đe. Nay đã đến lúc chúng ta cần có một hình thức chế tài khác, mạnh tay hơn.

Chúng tôi rất đồng tình với ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa là với hành vi tinh xảo trong việc dùng “công nghệ” sản xuất rau bẩn làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, phải có luật để xử phạt. Thậm chí nếu cố tình vi phạm, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng phải được xem là tội phạm, truy tố trước pháp luật.

Ngoài việc xử lý người trồng rau thì các ban ngành có trách nhiệm phải hướng dẫn các quy trình làm rau an toàn vệ sinh thực phẩm, cấp giấy chứng nhận rau an toàn cho người trồng, ưu tiên cho rau an toàn vào chợ và phải phạt nặng những người tiếp tay cho rau “bẩn”, kể cả người mua đi bán lại. Có như thế mới mong chấm dứt được tình trạng đáng buồn này.

Bài 1: Xử lý nghiêm những vụ vi phạm an tòan thực phẩm trong chăn nuôi