Về tăng giá điện, Bộ Công thương phải xem xét, rà soát, rút kinh nghiệm

(VOH) - Sáng 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Ngay đầu giờ sáng, trên bảng điện tử có 91 đại biểu đăng ký phát biểu.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) phát biểu tại phiên thảo luận sáng ngày 30/5

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) phát biểu tại phiên thảo luận sáng ngày 30/5. Ảnh: TTXVN

Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho biết tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 2.590 đô la Mỹ. Bước sang năm 2019, tăng trưởng GDP quý I đạt 6,79%. Trong đó khu vực nông nghiệp tăng 2,68%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%; dịch vụ tăng 6,5%.

Nhiều đại biểu đánh giá đây là kết quả ấn tượng và là niềm vui chung của cả nước. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề cập đến việc tăng giá xăng, giá điện khiến cử tri cả nước lo lắng vì điều này ảnh hưởng sát sườn đến đời sống, tăng chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến lạm phát.

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – đoàn An Giang cho biết rất mừng vì các con số đã đạt được. Về lĩnh vực đời sống với những vấn đề như giá điện, giá xăng dầu, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề xuất Bộ Công thương phải xem xét, rà soát, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát. 

“Bộ Công Thương có báo cáo việc điều chỉnh giá gần 20 trang với những con số, lập luận để khẳng định bộ làm đúng. Dẫn chứng bản thân là bác sĩ, ông Hiếu cho rằng nếu đưa ra một phác đồ đúng mà bệnh nhân không tốt lên thì phải xem xét lại, nhiều khi lý thuyết là đúng nhưng khi triển khai lại sai ở mắt xích nào đấy, vì vậy cần dừng lại xem xét, không bảo thủ, che giấu sai lầm.

Vậy nên khi rất nhiều người dân bức xúc thì Bộ Công thương phải xem xét, rà soát, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát. Phải chăng tình trạng trên là do sự độc quyền mua bán, chuyển tải điện”, đại biểu Hiếu phát biểu.

Đại biểu Trần Tất Thế - đoàn Hà Nam ghi nhận: Năm 2018, đã hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kinh tế và tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong 10 năm trở lại đây, đạt 7,08%, thu ngân sách vượt dự toán, các khu vực kinh tế phát triển tương đối đồng đều. Sang quý I/2019, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, đại biểu Trần Tất Thế - nhận định đây là những con số không bền vững. "Năm 2019, đỉnh điểm là năm 2020 chúng ta phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ đến hạn. Theo tính toán, mỗi tháng phải tiết kiệm từ 21-27 ngàn tỷ đồng để trả nợ. Với tình hình này, chúng ta phải vay để trả nợ. Trong lĩnh vực kinh tế, số doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại có tăng so với những năm trước nhưng số doanh nghiệp phá sản và dừng hoạt động vẫn còn là một con số khá lớn. Chứng tỏ nền kinh tế của chúng ta năm 2019 còn nhiều khó khăn", đại biểu Thế băn khoăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc – đoàn Bình Thuận cho rằng, tăng giá điện thời điểm hiện tại là chưa phù hợp dù việc tăng giá điện đã được tính toán và nằm trong lộ trình. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra, có đúng trình tự, quy định không, nếu sai thì xử lý ra sao. "Theo tôi, khi tăng giá điện chắc chắn sẽ kéo theo việc tăng giá các mặt hàng, nhất là vật tư, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, điều này gây bức xúc trong nhân dân. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần phải có giải pháp phòng ngừa hiện tượng tăng giá "té nước theo mưa", cần theo dõi sát biến động thị trường kết hợp với việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kê khai giá của các doanh nghiệp để có biện pháp tổng thể nếu có biến động bất thường của thị trường", đại biểu Phúc ý kiến.

Theo chương trình làm việc của Quốc hội, bên cạnh thảo luận kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, các đại biểu cũng thảo luận, cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. Phiên thảo luận kéo dài 1,5 ngày. Chủ tọa sẽ mời một số thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề mà đại biểu nêu.

Bình luận