Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phải xử lý mọi tội phạm kịp thời, không để xảy ra oan sai

VOH - Chủ tịch nước yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xử lý mọi tội phạm phải kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm…

Sáng 11/5, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao ngành Kiểm sát nhân dân về kết quả đã đạt được thời gian qua.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng nêu một số hạn chế của Ngành, như chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tại một số đơn vị chưa cao; tiến độ, chất lượng giải quyết một số vụ án chưa đạt yêu cầu. Một số cán bộ, công chức chấp hành kỷ luật công vụ chưa nghiêm, thiếu rèn luyện, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bị xử lý, kỷ luật.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. - Ảnh: Vksndtc

Xem thêm: Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao: Việc thi hành án rất khó khăn

Chủ tịch nước đề nghị yêu cầu ngành Kiểm sát chú trọng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, trước mỗi vụ việc phải đánh giá, cân nhắc thận trọng, khách quan, áp dụng pháp luật linh hoạt, đặt lợi ích của Nhà nước, nhân dân lên trên hết.

Ngành Kiểm sát cần tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, xác định đây là khâu “đột phá”, góp phần bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế, tạo điều kiện, môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.  

Chủ tịch nước cũng yêu cầu ngành Kiểm sát khắc phục triệt để việc giải quyết các vụ án quá hạn luật định, phải trả hồ sơ điều tra bổ nhiều sung lần. Ngành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng dư luận xã hội quan tâm.

Đáng chú ý, Chủ tịch nước yêu cầu, qua các vụ án, vụ việc, ngành Kiểm sát cần nghiên cứu, đánh giá, phát hiện, chỉ ra những kẽ hở của cơ chế, chính sách, pháp luật và công tác quản lý, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước xây dựng cơ chế, hoàn thiện thể chế; kiến nghị các cơ quan, tổ chức liên quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa, khắc phục vi phạm “chỉ rõ ra văn bản luật nào, văn bản dưới luật nào có kẽ hở cần phải điều chỉnh, cần sửa”.

Bình luận