Đăng nhập

Viết tiếp trang sử vàng của dân tộc

(VOH) - Lễ tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” do Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tổ chức đã trang trọng diễn ra vào sáng 21/12 tại TP.HCM.

88 Mẹ ở 17 quận gồm: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và 2 huyện là Cần Giờ, Nhà Bè đã có nhiều người thân hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc đã được trao tặng danh hiệu cao quý này. Trong đó có 7 mẹ còn sống và 81 mẹ đã từ trần.

TP.HCM vinh dự có 3.633 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, cũng là ngần ấy gia đình chịu những nỗi mất mát, đau thương. Các Mẹ VNAH ngồi ở hội trường hôm nay mắt mờ, chân yếu nhưng hình như, những ký ức đau thương vẫn còn hằn sâu trong tâm trí các Mẹ.

Ngồi ôm khư khư bên mình tấm bằng khen vừa được phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH, Mẹ Lê Thị Nhiên, 84 tuổi có chồng và con trai hy sinh ở Gò Nổi, Điện Quang, tỉnh Quảng Nam. Mẹ nói về người con trai trùng tên với mẹ là Nguyễn Văn Nhiên làm giao liên đã hy sinh với niềm yêu thương, xúc động: "Người nớ là đi giao liên, đi khắp nơi làm nhiệm vụ. Khi anh hi sinh, dân làng khắp nơi ai cũng thương tiếc".

Trong khán phòng này, một gia đình có tới mấy người mất, nỗi đau chất chồng nỗi đau. Như gia đình bà Nguyễn Thị Hà, 69 tuổi, hiện ở P.2, quận 5, cả hai bên nội, ngoại đều tham gia hoạt động cách mạng. Mẹ bà Hà là Lê Thị Ngoạc nhiều lần bị tù đày, đánh đập, bị bệnh tim rồi mất. Cha là Liệt sĩ Nguyễn Văn Bộ hy sinh ở Bình Phú khi trên đường đi công tác trờ về. Lúc đó, ông Bộ có dắt theo hai người bảo vệ nhưng thấy thương nên cho họ về nhà, còn một mình ông tiếp tục chèo xuồng. Khi thấy máy bay địch đang rà rà trên đầu, ông Bộ cho xuồng đâm vào bụi rậm, bom dội xuống, ông Bộ hy sinh luôn tại đó. Anh trai bà Hà hy sinh trong trận địch càn quét ở Cai Lậy, Tiền Giang để bảo mật tài liệu. Nhớ như in cái chết của anh trai, bà Hà rơm rớm nước mắt xúc động kể lại: Lúc đó, khi địch giở nắp hầm, mọi người bỏ chạy tán loạn, anh trai bà (thời điểm đó đang làm Trưởng ban công trường huyện Cao Thành Bắc, tỉnh Tiền Giang) thấy tình hình nguy cấp, liền xé tài liệu mật không để rơi vào tay giặc. Ông hi sinh do không chịu đầu hàng.

Tại lễ truy tặng, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM bày tỏ sự trân trọng tri ơn sâu sắc đến các Mẹ VNAH và gia đình được truy tặng danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước. Diễn văn nêu rõ: 85 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ giành độc lập tự do cho dân tộc. Trong sự nghiệp đấu tranh oanh liệt, chiến thắng lớn từ hy sinh to lớn, dân tộc ta đã hy sinh biết bao xương máu. Nhiều gia đình đã hiến dâng người thân yêu nhất của mình cho độc lập dân tộc, cho thống nhất đất nước, cho ấm no hạnh phúc hôm nay.

img thumbXem toàn màn hình

Đồng chí Lê Thanh Hải thăm hỏi các Mẹ Việt Nam Anh hùng - Ảnh: Lệ Loan.

Nhân dân VN rất biết ơn các Bà mẹ hai miền Nam - Bắc đã sinh ra và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta. Sự cống hiến hy sinh của các Bà Mẹ vô cùng cao quý, là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng Cách mạng, là tài sản tinh thần vô giá mãi mãi trường tồn cùng dân tộc. Sư trân trọng, tri ân, tôn vinh những người đã cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc là đạo lý ngàn đời của dân tộc, là quan điểm nhất quán của Đảng, nhà nước, nhân dân ta được thể hiện bằng những chính sách cụ thể, trong đó, có trân trọng phong tặng danh hiệu cao quý bà mẹ VNAH đến những bà mẹ đã hiến dâng cho Tổ quốc những người con thân yếu nhất của mình.

Khi đất nước lâm vào đêm trường nô lệ, nước mất nhà tan, hai miền bị chia cắt, rất nhiều mẹ đã trực tiếp làm người chiến sĩ mưu trí âm thầm lập chiến công. Các mẹ đã đọ sức với đại bác, lưỡi lê, dùi cui, rào gai, những âm mưu thâm độc của kẻ thù. Đã có rất nhiều mẹ không ngại gian nguy, đào hầm nuôi giấu cán bộ, nhiều chuyến đò đưa các chiến sĩ qua sông, nhiều nhục hình tra tấn dã man, nhưng các mẹ vẫn cắn răng chịu đựng, giữ vững khí tiết cách mạng, không khuất phục trước quân thù. Chiến tranh luôn gây mất mát đau thương. Mất mát lớn nhất là con người, đau thương lớn nhất là nỗi đau người mẹ mất con, người vợ mất chồng. Các mẹ đều hiểu sâu sắc cái giá của độc lập tự do của hòa bình thống nhất. Các mẹ luôn tự động viên mình trước những mất mát hy sinh, trước nỗi đau chồng chất suốt cuộc trường chinh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Sự hy sinh thầm lặng của các bà Mẹ VNAH đã góp vào trang sử vàng của dân tộc VN. Thế hệ hôm nay, những người đang được hưởng độc lập tự do của Tổ quốc cần luôn tự dặn mình, làm thế nào để làm vơi bớt nỗi đau thương, mất mát trong lòng các mẹ và làm tròn đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Bình luận