Vĩnh biệt một nhân cách cao cả

(VOH) - Chiều 20/3, các Bộ ngành trung ương, các tỉnh thành, các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế quốc tế, các hội đoàn, và tổ chức tôn giáo đến viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải.

Đến viếng Bác Sáu, nguyên Thủ tướng Chính phủ, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ai cũng chia sẻ sự tiếc nuối cho sự ra đi của một nhân cách vĩ đại. Mỗi người đều mang những kỷ niệm ký ức đẹp đẽ riêng với vị cố Thủ tướng.

cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Nhiều đoàn viếng đến từ các tỉnh thành

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Du Phong, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, Trưởng ban Liên lạc học sinh miền Nam trên đất Bắc, vừa từ Hà Nội vào để kịp lễ viếng chiều nay. 

Ông kể lại giai đoạn 1954 , đất nước bị chia cắt, Đảng và Chính phủ chủ trương đưa con em cán bộ miền Nam ra Bắc đào tạo, tạo nguồn phát triển sau này.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, khi ấy là cán bộ tập kết ra Bắc, đã như một người anh cả luôn hết lòng hỗ trợ đàn em. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lê Du Phong đúc kết: “Tất cả các chính sách ngày xưa Đảng và Bác Hồ đề ra đối với học sinh miền Nam, Bác Khải là người đã kế tục, thực hiện một cách đầy đủ nhất, thậm chí tăng cường hơn, từ việc bồi dưỡng đến việc đào tạo cho đến sử dụng rất chiến lược. 32.000 con người đều trưởng thành" .

cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Thiếu nhi thành phố viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Nhân cách cao quý, suy nghĩ chiến lược của Bác Sáu còn được đại tá Võ Đức Thành, Chỉ huy trưởng, Đội chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương, ghi nhận như một sự lan toả, tạo những bước đột phá trong giai đoạn còn khó khăn của những năm đầu đổi mới.

Đại tá Võ Đức Thành chia sẻ: "Tôi có một kỷ niệm trong đời quân ngũ được biết về chú Sáu Khải . Lúc đó, Chú là Chủ tịch UBND TPHCM. Sau một chuyến đi thăm một số nước ở khu vực Asean hiện nay, chú có một phát biểu rất hay về vấn đề kinh tế. Lúc đó, tôi là một cán bộ cơ sở cấp nhỏ thôi, nhưng tôi nghe và rất là ấn tượng. Bài phát biểu có thể nói là một lãnh đạo rất trí thức. Bài phát biểu đã tạo một dấu ấn lớn cho đất nước nhất là khu vực TPHCM và một số tỉnh lân cận. Nhìn nhận về sự phát triển của nền kinh tế để phát triển, sánh vai cùng các bạn bè các nước".

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải - người hết lòng vì thế hệ trẻ

Quan tâm đến thế hệ trẻ, nên khi ở nhiệm kỳ Thủ tướng của mình, bác Sáu đã có nhiều chính sách đầu tư cho con em nhân dân. Chính sách miễn phí khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được chính thức thực hiện vào năm 2005, từ những suy nghĩ, tình cảm, quyết tâm đó.

Nói về những đóng góp của cố Thủ tướng, một cán bộ đã về hưu, từng có thời gian làm việc với bác Phan Văn Khải, nhớ lại: "Thời Chú Sáu làm Thủ tướng Chính phủ, tôi là trưởng đại diện của Uỷ ban dân số gia đình trẻ em Việt Nam tại TPHCM. Cơ quan của tôi đặt tại Cục Hành chánh quản trị 2 của Văn phòng Chính phủ. Chú Khải rất quan tâm đến trẻ em. Chính sách khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi và các chương trình cho trẻ em, Chú đặc biệt quan tâm. Chú để lại dấu ấn trong chúng tôi, những người cấp dưới một tình cảm giống như người cha, người chú".

Với tấm lòng với thế hệ trẻ, bác Sáu đã tạo nên những tiền đề thuận lợi nhất cho sự phát triển thể chất, tinh thần lẫn trí tuệ Việt Nam. Đến viếng vị lãnh tụ có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ai cũng chia sẻ sự tiếc nuối cho sự ra đi của một nhân cách vĩ đại. Mỗi người đều mang những kỷ niệm ký ức đẹp riêng với vị cố Thủ tướng. Trời về chiều, các đoàn khách viếng đông dần. Các đoàn người cứ nối tiếp nhau vào chào vĩnh biệt một nhân cách cao cả, một trí thức thức thời và một lãnh đạo tầm vóc.

 Cũng trong ngày 20/3, tại Hà Nội, hơn 30 đoàn đại biểu trong nước và quốc tế cùng hàng trăm người dân Thủ đô đã đến viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải  tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong.

Lần lượt các đoàn vào viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước do ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương dẫn đầu; Đoàn đại biểu Chính phủ do ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu; Đoàn đại biểu Quốc hội do ông Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu. Tiếp đó, đoàn đại biểu các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành phố; Đại sứ các nước, trưởng đại diện một số tổ chức quốc tế tại Hà Nội... vào viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Cùng ngày, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Úc, Hà Lan và Indonesia đã tổ chức lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Tính đến 18 giờ ngày 20 tháng 3 năm 2018, có tổng số 393 đoàn đến viếng (tại thành phố Hồ Chí Minh là 250 đoàn, tại Hà Nội là 143 đoàn) với số lượng ước tính khoảng 17.000 người. Một số đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước do điều kiện không đến được đã gửi vòng hoa viếng và chia buồn cùng gia đình.

Lễ viếng đồng chí Phan Văn Khải tiếp tục được tổ chức đến hết ngày 21 tháng 3 năm 2018. Lễ Truy điệu bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày 22 tháng 3 năm 2018 tại Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội. Lễ An táng vào hồi 11 giờ cùng ngày tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh./.