Tiêu điểm: Nhân Humanity

Visa điện tử kéo dài thời hạn lên 90 ngày có lợi gì?

VOH - Theo đại tá Nguyễn Thanh Hà - phó giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, việc nâng thời hạn, giá trị của visa điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng sẽ giúp thu hút thêm khách du lịch.

Tại Hội nghị chuyên đề về 5 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, Chính phủ trình Quốc hội khóa XV, diễn ra ngày 17/5, nhiều đại biểu chia sẻ những ý kiến thiết thực liên quan đến các nội dung.

Trong đó có ý kiến về dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi đề xuất nâng thời hạn của visa điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần.

Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, đại tá Nguyễn Thanh Hà đánh giá việc sửa đổi chính sách visa điện tử nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đặc biệt là khách du lịch.

Visa điện tử kéo dài thời hạn lên 90 ngày có lợi gì? 1
Phó giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, đại tá Nguyễn Thanh Hà phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TTO

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ. Chính phủ được giao quyết định danh sách cụ thể, đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Đại tá Hà nhận định việc sửa đổi sẽ giúp góp phần hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử, kinh tế số và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đại tá Hà cũng ước đoán lượng người nhập cảnh bằng visa điện tử sẽ tăng cao, do đó công tác quản lý cư trú của người nước ngoài phải tăng cường hơn nữa.

Cùng trong nội dung tham luận trình bày tại hội nghị, đại tá Hà nêu 3 điểm chính cần sửa đổi, bổ sung về luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam:

Các thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu, trình báo mất hộ chiếu, đề nghị khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông trước đó đều yêu cầu công dân nộp hồ sơ trực tiếp thực hiện tại cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh. Tuy nhiên hiện tại đã có Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an và hoàn thành xong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các thủ tục thực hiện đa phần trên môi trường điện tử.

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam khi xây dựng chưa quy định về hình thức, trình tự và thủ tục thực hiện các thủ tục này trên môi trường điện tử vì vậy cần sửa đổi luật lại cho phù hợp.

Cần bổ sung nội dung liên quan đến quy định về việc hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông cũng như quy định rõ đối tượng được cấp hộ chiếu rút gọn đối với các trường hợp không có hộ chiếu mà cần về nước ngay, như người không được phía nước ngoài cho cư trú, nạn nhân mua bán người…khi trong luật cũ chưa có.

Liên quan đến việc ký kết hợp tác quốc tế về nhận trở lại công dân theo luật hiện do Bộ Công an và Bộ Ngoại giao chủ trì. Gần đây, Bộ Công an đã chủ trì đàm phán 3 thỏa thuận về nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú.

Do đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung luật theo hướng quy định Bộ Công an chủ trì thực hiện đàm phán, ký kết điều ước quốc tế về nhận trở lại công dân Việt Nam không được nước ngoài cho cư trú, để phù hợp với phạm vi chức năng của Bộ Công an và đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Bình luận