Vụ cháy Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông: Rải hóa chất chống phát tán, lan tỏa thủy ngân

(VOH) - 3,7 tấn hóa chất chống phát tán, lan tỏa thủy ngân ra môi trường bên ngoài đã được Binh chủng Hóa học rải trên diện tích 2.500 mét vuông.

Trong ngày 14/9, Binh chủng Hóa học phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tiếp tục duy trì lực lượng 108 cán bộ, chiến sỹ và 15 phương tiện tham gia thực hiện nhiệm vụ xử lý sự cố ô nhiễm tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Theo thông tin từ Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong hai ngày 12-13/9, lực lượng Quân đội đã thiết lập Sở Chỉ huy tại hiện trường, do Đại tá Nguyễn Xuân Đỉnh, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Hóa học chỉ huy.

Vụ cháy Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông: Rải hóa chất chống phát tán, lan tỏa thủy ngân

Lực lượng Binh chủng Hóa học thu gom chất thải, giải phóng hiện trường để tiến hành tẩy độc mặt nền nhà xưởng. Ảnh: TTXVN

Lực lượng Quân đội đã tổ chức quan trắc trinh sát môi trường toàn bộ khu vực nhà máy và khu vực liên quan, tiến hành thu gom được khoảng 12 tấn phế thải nhiễm thủy ngân trên diện tích khoảng 300m2.

Ngoài ra, lực lượng thực thi nhiệm vụ đã rải 3,7 tấn hóa chất chống phát tán, lan tỏa thủy ngân ra môi trường bên ngoài trên diện tích 2.500m2 và phối hợp dọn dẹp hiện trường, giải phóng mặt bằng, bảo vệ an ninh khu vực.

Trước đó, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông xảy ra hôm 28/8 vừa qua là sự cố mất an toàn về hoá chất và môi trường được đánh giá là ở mức trung bình, tuy nhiên có tác động xấu đến sức khoẻ và môi trường xung quanh.

Ban đầu, theo số liệu báo cáo của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, nguồn thủy ngân có thể phát tán là khoảng 15,1 kg; tuy nhiên, theo tính toán của các nhà khoa học, cần 30 mmg thủy ngân để sản xuất 1 bóng đèn huỳnh quang, 8 mmg cho một bóng đèn compact, khối lượng thủy ngân phát tán là 23,2 kg.

Tổng hợp kết quả lấy mẫu quan trắc, phân tích, đánh giá về chất lượng môi trường không khí, nước, đất, chất thải rắn (tro xỉ sau khi cháy) của Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội, Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường Bộ Y Tế, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc từ ngày 30/8 đến 1/9 cho thấy: Có 1/12 mẫu nước mặt có giá trị thuỷ ngân vượt quy chuẩn Việt Nam (QCVN) 08-MT:2015 1,3 lần tại điểm quan trắc trên sông Tô Lịch, cách cổng xả gom nước thải của Công ty ngõ 320 Khương Đình 1,5km.

Có 1/8 mẫu nước thải có giá trị thuỷ ngân vượt QCVN 40:2011/BTNMT (cột A) 2,67 lần tại điểm quan trắc Hố ga cạnh xưởng Led của Công ty.

Có 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy có giá trị thuỷ ngân vượt QCVN43:2017/BTNMT. Điểm quan trắc tại sông Tô Lịch, cách cống xả nước thải của Công ty ngõ 320 Khương Đình 1km có giá trị thuỷ ngân cao nhất, vượt QCVN 6,1 lần.

Có 1/6 mẫu không khí có giá trị vượt thuỷ ngân QCVN 06:2009/BTNMT 1,02 lần tại điểm quan trắc trong khuôn viên nhà kho bị cháy của công ty.

Kết quả so sánh với các tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO và Châu Âu cho thấy theo hướng phát tán của dòng khí tại vị trí hàng rào của kho sản phảm bị cháy, khoảng cách an toàn 200m, 500m và 1.000m tính từ hàng rào kho sản phẩm bị cháy; kết quả cho thấy, trong khoảng từ hàng rào đến khoảng cách 200m, các mẫu hấp phụ thuỷ ngân đều có giá trị nằm trong ngưỡng khuyến cáo của WHO và Châu Âu (ngưỡng ảnh hưởng đến sức khoẻ con người tại khu vực đô thị).

Tuy nhiên, tại cuộc họp với các bộ, ngành, thành phố Hà Nội chiều 3/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đánh giá mức độ nguy hại và phạm vi ảnh hưởng từ sự cố cháy nổ của công ty này ở mức độ trung bình và Việt Nam có đủ khả năng để kiểm soát được vấn đề này.

Bình luận