Vụ việc khiến 37 người phải nhập viện, trong đó có tới 33 học sinh.
Theo báo cáo ban đầu, các trường hợp nghi bị ngộ độc đều có điểm chung là đã sử dụng bánh mì trước khi xuất hiện triệu chứng bất thường về tiêu hóa. Cục An toàn thực phẩm đã nhanh chóng vào cuộc, yêu cầu Sở An toàn thực phẩm TPHCM tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm nghi vấn, lấy mẫu bánh mì và bệnh phẩm để xét nghiệm, xác định nguyên nhân chính xác.
Công văn nêu rõ: cần tạm đình chỉ ngay hoạt động của cơ sở cung cấp bánh mì bị nghi ngờ, điều tra việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có và công khai kết quả điều tra để kịp thời cảnh báo cộng đồng.

Đây là bước đi cần thiết nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra thêm những vụ ngộ độc tương tự, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể, nơi phục vụ số lượng lớn học sinh, sinh viên.
Cùng với điều tra nguyên nhân, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị do vụ việc này phải huy động tối đa nhân lực, thiết bị y tế để chăm sóc tích cực, đảm bảo không để ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân. Trong trường hợp cần thiết, có thể xin ý kiến hội chẩn từ các bệnh viện tuyến trên.
Bên cạnh công tác xử lý trước mắt, công văn cũng nhấn mạnh vai trò của tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn. Cụ thể, Cục đề nghị tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các cơ sở này phải thực hiện đầy đủ việc kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm, kiểm tra chất lượng nguyên liệu và đảm bảo điều kiện vệ sinh trong khâu chế biến.
Người dân cũng được khuyến cáo không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác, xuất xứ. Việc giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm cần được triển khai mạnh mẽ hơn trong cộng đồng để thay đổi các hành vi tiêu dùng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu TPHCM nghiêm túc thực hiện các nội dung tại Công văn số 6495 của Bộ Y tế (ngày 22/10/2024) về triển khai Chỉ thị 38 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, và Công văn số 271 (ngày 18/2/2025) về đảm bảo an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn trong năm 2025.
Vụ việc tại Trường Trung học cơ sở Tân Túc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý thực phẩm tại các trường học, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ và đồng bộ hơn từ cơ quan chức năng, nhà trường, phụ huynh và toàn xã hội để bảo vệ sức khỏe cho học sinh – những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các rủi ro về vệ sinh an toàn thực phẩm.