Tiêu điểm: Nhân Humanity

Xác định rõ động lực tăng trưởng những tháng còn lại năm 2024 và cả năm 2025

VOH - Ngày 4/11, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, đại biểu đề nghị xác định rõ động lực tăng trưởng những tháng còn lại năm 2024 và năm 2025 để đạt và vượt các mục tiêu Quốc hội giao.

Với mức tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2024 đạt 6,82% và quyết tâm phấn đấu tăng trưởng cả năm vượt 7%, đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) đề xuất Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản nhằm chủ động và kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế, thực hiện hiệu quả các giải pháp, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống nhất là xuất khẩu; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới.

dai-bieu-trinh-lam-sinh-041124
Đại biểu Trình Lam Sinh (Đoàn An Giang) - Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Sinh nêu con số, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta ước đạt trên 610 tỷ USD, xuất siêu đạt trên 21 tỷ USD. Đồng thời dự báo tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2024 ở mức kỷ lục trên 800 tỷ USD.

Điều này cho thấy sự phục hồi sản xuất trong nước và cầu tiêu dùng của các thị trường, trong đó xuất khẩu khu vực FDI đạt tỷ trọng cao. Tuy nhiên đối với khu vực kinh tế trong nước, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao cho thấy các doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn.

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách nhằm giúp các thành phần kinh tế trong nước tháo gỡ khó khăn; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ quyết liệt hơn nhằm bảo hộ và kích cầu tiêu dùng hàng hóa trong nước trước sự xâm nhập ngày càng dữ dội của hàng hóa, nhất là hàng hóa giá rẻ từ nước ngoài thông qua giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội.

Để đạt được mục tiêu năm 2025, tăng trưởng từ 6,5 đến 7% và cao hơn nữa là 7-7,5%, Chính phủ đã nêu 11 nhóm giải pháp. Quan tâm đến nhóm giải pháp thứ nhất trong 11 nhóm giải pháp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) cho rằng, cần xác định ba động lực tăng trưởng nội sinh của đất nước.

Về xuất khẩu, trong 9 tháng năm 2024 tiếp tục tăng trưởng 15,4%, tuy nhiên, tỷ trọng khu vực trong nước còn chiếm tỷ lệ thấp chỉ khoảng 28%.

Vì vậy, cần phải có chính sách để kết nối FDI với các doanh nghiệp trong nước có chiến lược phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp, dịch vụ phụ trợ công nghiệp vật liệu, phụ kiện.

Đặc biệt quan tâm hơn nữa đến các sản phẩm mang thương hiệu Việt, nông sản, thủy sản. Gần đây các sản phẩm mang thương hiệu trí tuệ Việt Nam, sản phẩm công nghệ số, công nghệ thông tin đã được xuất khẩu trên thị trường quốc tế với 1.500 doanh nghiệp công nghệ số ra nước ngoài, doanh thu ngày càng tăng.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cần có những chính sách quan tâm tổng thể để tiếp sức cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc chuẩn bị thống nhất thông qua các dự án luật, các nghị quyết lần này là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế.

Đối với tiêu dùng nội địa, đại biểu nhận định, tiêu dùng nội địa tuy có sự phục hồi mạnh trong 9 tháng (tăng trưởng 8,8%), nhưng so với trước thời điểm dịch Covid-19 còn thấp (trước đại dịch tăng trưởng 2 con số).

Do đó, cần có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng, nhất là vấn đề về giảm thuế; cũng như khuyến khích vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Bên cạnh khuyến khích phát triển các động lực mới như khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh sự cần thiết đánh thức, phát triển 3 động lực nội sinh: khu vực nông nghiệp, văn hóa và du lịch.

“Đây là những thế mạnh của Việt Nam chúng ta từ đặc điểm kinh tế chính trị - xã hội, điều kiện thiên nhiên... Ba lĩnh vực này mới thực sự là chủ công của đất nước. Do đó, rất mong Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến 3 lĩnh vực này”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Bình luận