Xây dựng TPHCM thành Đô thị thông minh: Không phải là hình thức mà là giải pháp hiệu quả, căn cơ

(VOH) - Đó là chia sẻ của ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TPHCM với VOH.

Xuất phát từ Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, hay nói đúng hơn là từ chính nguyện vọng của đông đảo người dân, Đảng bộ - Chính quyền Thành phố đã và đang quyết liệt tập trung chỉ đạo, triển khai Đề án “Xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh”. Đây là một bước đệm cực kỳ quan trọng cho việc nâng tầm, mở rộng cơ hội phát triển Thành phố mang tên Bác trong bối cảnh hội nhập đầy sôi động như hiện nay.

VOH: Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” cho đến nay được triển khai ra sao, thưa ông?

Ông Trần Vĩnh Tuyến: Từ năm 2017, cụ thể là tháng 12/2017 Đề án được phê duyệt – qua một năm triển khai – năm 2018 – đến nay chúng tôi rất phấn khởi khi đã triển khai được những kế hoạch xây dựng Đề án đô thị thông minh thông qua việc triển khai được giai đoạn 1 của 04 trung tâm.

Thứ nhất là hiện nay Trung tâm dữ liệu dùng chung theo mã nguồn mở sẽ được đặt ở Công viên phần mềm Quang Trung. Đây là một dự án sẽ được tích hợp những dữ liệu có sẵn của Thành phố. Ví dụ như: Dữ liệu hộ tịch, dữ liệu về dân cư, dữ liệu về đất đai; hoạt động của các doanh nghiệp sẽ được tích hợp về thành một Trung tâm dữ liệu ở giai đoạn 1. Và chúng tôi cho rằng, nếu với tốc độ hiện nay thì đến khoảng năm 2020,  thành phố sẽ có thể có được một trung tâm dữ liệu đầy đủ các cơ sở dữ liệu của toàn thành phố, có thể chia sẽ được với doanh nghiệp cũng như chia sẻ được với các Bộ ngành của Trung ương và người dân có thể truy cập vào một số các số liệu cụ thể.

Thứ hai, Thành phố sẽ xây dựng một trung tâm điều hành thông minh giúp Thành phố xử lý những vấn đề tình huống, ví dụ như: Vấn đề giao thông, vấn đề với cứu hộ cứu nạn, vấn đề ngập nước, vấn đề về an ninh trật tự… Trung tâm điều hành thông minh này dự kiến sẽ đặt ở Ủy ban nhân dân thành phố.

Thứ ba, Thành phố đã hoàn thành xong thiết kế của một Trung tâm Mô phỏng các chỉ tiêu kinh tế xã hội của Thành phố trong những năm sắp đến. Khi Trung tâm này hình thành sẽ vận hành theo cơ chế là những dữ liệu thông tin của Trung tâm Dữ liệu chuyển qua thì hệ thống phần mềm và Trung tâm này sẽ tính toán được những chỉ tiêu kinh tế xã hội Thành phố sẽ phát triển trong năm 2019, 2020 và những năm tiếp theo.

Và một vấn đề nữa là Thành phố đã tiến hành phê duyệt Đề án xây dựng một công ty cổ phần để giúp thành phố vận hành Trung tâm An toàn thông tin, giúp cho an toàn thông tin của Thành phố hiện nay an toàn hơn. Chúng tôi hình thành công ty cổ phần này với mục đích là thu hút được nhiều các chuyên gia về an toàn thông tin của Thành phố cũng như cả nước tham gia, góp vốn và góp nhân lực cũng như đóng góp trí tuệ vào việc đảm bảo an toàn thông tin cho toàn Thành phố.

VOH: Đâu là những khâu quan trọng tiếp theo mà TP sẽ tập trung trong thời gian tới? Điều gì đang là thách thức lớn nhất mà chúng ta phải xử lý hiện nay?

Ông Trần Vĩnh Tuyến: Hiện nay ở giai đoạn 1, chúng ta phác thảo được những thiết kế kỹ thuật để có thể vận hành ngay thí điểm. Ở giai đoạn 2, thành phố sẽ lập báo cáo đề xuất phương án, dự án của 3 Trung tâm để sẽ phải tổ chức đấu thầu, để chọn những giải pháp công nghệ, chọn những đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại nhất để phát triển Trung tâm này. Nói cách khác, ở giai đoạn 1 là chúng ta thí điểm, làm thử để hình thành các Trung tâm để vận hành, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu gấp rút hiện nay. Nhưng ở giai đoạn 2 – là giai đoạn lâu dài thì Thành phố buộc phải tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư phục vụ cho những dự án này của Thành phố. Bởi vì chúng ta biết rằng, đối với những dự án công nghệ thì luôn thách thức, đòi hỏi thay đổi liên tục… Nếu chúng ta không có một sự chuẩn bị tốt thì sẽ dẫn đến việc bị lãng phí bởi vì không còn phù hợp với điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 nữa.

Thách thức hiện nay: Chúng ta đều biết rằng việc đầu tư công cho những Dự án này rất khó, bởi vì theo quy định Luật Đầu tư công thì thời gian nó có quy định cụ thể. Chúng tôi lo ngại rằng nếu áp dụng Luật Đầu tư công theo đúng quy định thời gian khoảng trên dưới hai năm, thì khi mình chọn được những sản phẩm công nghệ, những hạ tầng công nghệ thông tin thì sợ rằng nó sẽ lạc hậu. Nên Thành phố phải tính toán những giải pháp linh hoạt, thì như vậy phải tính toán phần việc nào mà chúng ta thấy cần phải đảm bảo mật tối đa thì chúng ta phải đầu tư; Những phần việc nào có thể thuê được thì chúng ta phải thuê những phần mềm, những cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực là điểm mạnh của Thành phố. Hiện nay thành phố có công ty phần mềm Quang Trung và nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Thành phố rất lớn, nên chúng tôi hoàn toàn yên tâm về việc quản lý vận hành khai thác các Trung tâm của Thành phố. Vấn đề hiện nay là làm thế nào chúng ta triển khai nhanh các thủ tục để có ngay những sản phẩm theo kế hoạch đề ra là năm 2019 phải triển khai xong giai đoạn 1, vận hành ngay; Và năm 2019 là phải hoàn thành thủ tục đấu thầu để chọn các nhà đầu tư và đến năm 2020 chúng ta cơ bản có được các Trung tâm của Thành phố.

VOH: Những tiện nghi, tiện ích về công nghệ tiên tiến chủ đạo mà người dân cùng doanh nghiệp có thể kỳ vọng vào Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” mà TP đang quyết tâm thực hiện lần này là gì?

Ông Trần Vĩnh Tuyến: Song song với việc chúng ta triển khai 3 Trung tâm và một công ty An toàn thông tin – đó là những vấn đề cốt lõi để giúp cho Thành phố điều hành một cách thông minh, có thể dự báo, có thể chỉ đạo từ xa, có thể xử lý những vấn đề tắc nghẽn của Thành phố, để làm thế nào tạo sự thuận lợi trong sinh hoạt của người dân Thành phố. Ví dụ như: Hạn chế vấn đề ngập nước, hạn chế vấn đề kẹt xe, những tiện ích trong vấn đề giao thông, vấn đề mua sắm, vấn đề thủ tục hành chánh... Thì đó là những tiện ích mà người dân cơ bản phải đón nhận thông qua các Trung tâm này. Nhưng mặt khác, Thành phố không chờ đợi những Trung tâm này hình thành đến năm 2020, mà Thành phố đã chỉ đạo các Sở ngành phải triển khai ngay những giải pháp công nghệ để phục vụ người dân. Ví dụ như: Về lĩnh vực y tế thì chúng ta biết rằng có nhiều giải pháp công nghệ hiện nay giúp cho người dân tiện ích trong vấn đề khám chữa bệnh. Chúng ta có thể đăng ký khám bệnh từ xa, có thể chẩn đoán từ xa, có thể là nhận thuốc thông qua những phần mềm phát thuốc tự động; Giao thông cũng là lĩnh vực mà Thành phố sẽ quan tâm đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ; Về lĩnh vực giáo dục thì chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh triển khai, lĩnh vực ngân hàng và những lĩnh vực xã hội khác… Thành phố sẽ khuyến khích các Sở ngành và khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân đẩy mạnh ứng dụng giải pháp công nghệ để làm thế nào giúp người dân đạt được những tiện ích tối đa.

VOH: TP hiện phân công các đơn vị thực hiện ra sao? Cơ quan nào đảm nhiệm vai trò giám sát? Ngoài ra người dân có thể nắm bắt thông tin và cùng Đảng bộ - Chính quyền TP theo dõi tiến độ thực hiện đề án hay không?

Ông Trần Vĩnh Tuyến: Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh có một Ban chỉ đạo là Ban Thường vụ Thành ủy phân công cho Ban Tuyên giáo thường xuyên theo dõi hoạt động này của Thành phố. Chính quyền Thành phố có một Ban điều hành do đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố làm Trưởng ban điều hành và Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố làm Phó ban điều hành; Cơ quan thường trực là Sở Thông tin Truyền thông giúp cho Ủy ban nhân dân TP điều hành xây dựng các Trung tâm cũng như triển khai thực hiện hai đơn vị điểm là quận 1 và quận 12, thì hiện nay đang triển khai và tôi thấy rằng khá tốt.

Còn các Sở ngành trên cơ sở những chỉ đạo chung của Ban điều hành thì sẽ có những giải pháp ứng dụng cụ thể, báo cáo định kỳ về Thành phố. Hiện nay cơ chế này chúng ta vẫn hành cũng khá tốt. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là chúng tôi thấy vẫn còn rất nhiều Sở ngành, vẫn nhiều cán bộ các Phòng/ban chưa quan tâm đến việc ứng dụng các giải pháp công nghệ để xử lý – mặc dù nó rất tiết kiệm, mặc dù nó rất rút ngắn thời gian, mặc dù nó rất minh bạch công khai, nhưng mà do một phần là ngán ngại ứng dụng những giải pháp mới, một mặt khác cũng là vấn đề lợi ích, nên nhiều đơn vị Sở ngành chưa thực hiện tốt những chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố. Ví dụ như hiện nay chúng ta kiên quyết là không để trường hợp đào hở mà phải sử dụng robot đào ngầm để không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, giá cả thì rất giảm, thời gian thì rút ngắn, nhưng một số nơi cũng chưa xử lý tốt vấn đề này. Chúng tôi đã điểm mặt chỉ tên và nếu tiếp tục tái diễn những vấn đề này nữa thì chúng tôi sẽ xử lý ngay trách nhiệm người đứng đầu.

Tóm lại: Xây dựng Đề án đô thị thông minh không phải là một hình thức, không phải là một bộ mặt để trang điểm mà thật sự nó là một giải pháp rất hiệu quả căn cơ lâu dài, giúp Thành phố dự báo, xử lý ngay, xử lý chính xác những vấn đề tắt nghẽn của Thành phố. Không phải chỉ riêng chính quyền Thành phố, mà tất cả một đơn vị nào – từ nhỏ đến lớn – đều có thể áp dụng được những giải pháp công nghệ để xử lý ngay những vấn đề bức xúc của đơn vị mình. Và chúng tôi thấy rằng việc Thành phố chủ trương xây dựng một Trung tâm Báo chí hiện đại giúp cho các Báo/Đài hoạt động vận hành kết nối là một vấn đề cũng nằm trong Đề án Đô thị thông minh của Thành phố.

VOH: Xin cảm ơn ông!

Bình luận