Tiêu điểm: Nhân Humanity

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Kỳ 2: Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9- Chắp cánh cho biểu tượng hoà bình

(VOH) - Nhóm Phóng viên VOH có chuyến hành trình đến thăm một trong những “địa chỉ đỏ” của quốc gia, nơi yên nghỉ của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trong kỳ 2 của loạt phóng sự: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, mang tựa đề: “Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 - chắp cánh cho biểu tượng hòa bình”, nhóm phóng viên VOH đến thăm một trong những “địa chỉ đỏ” của quốc gia, nơi yên nghỉ của hàng  ngàn cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

“Hồi chuông vị quốc rung Nam Bắc

Ngọn lửa anh linh rực đất trời

Muôn dặm từng vang đường Số Chín

Ngàn thu còn mãi tuổi hai mươi”

(trích lời đề từ của anh hùng lao động Vũ Khiêu tại Nghĩa trang)

Một trong nhiều khu an nghỉ của các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 với diện tích 15 ha, là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 mộ liệt sĩ, trong đó hơn 65% mộ liệt sĩ chưa biết tên.

Giữa cái nắng cháy da của một ngày cuối tháng 4, nhóm phóng viên chúng tôi men theo dọc Quốc lộ 9, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị để đến với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. Cách trung tâm thành phố Đông Hà gần 6km về phía Tây, nằm toạ lạc trên một vùng đồi thuộc địa bàn phường 4, quay mặt ra hướng Quốc lộ 9, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 là một trong hai nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất cả nước. Giữa tiết trời nắng gay gắt của dải đất miền Trung, khi chúng tôi đến nơi cũng đã tầm trưa... Gương mặt ai nấy phờ phạc vì nắng nóng, thế nhưng khi bước vào đây, dường như lòng dịu mát, ấm áp lạ kỳ. Ấm áp bởi nghĩa tình đồng đội sao quá đỗi thân thương. Trưa nắng đổ lửa là thế, nhưng vẫn có đoàn đến để đi thăm đồng đội, đến để thắp cho anh em chiến sĩ của mình nén hương lòng hướng về những ngày tháng 4 lịch sử.

Đứng nép mình thật lâu bên mộ phần của đồng đội, đồng chí mình tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, cựu chiến binh Dương Công Thêm đến từ Bắc Ninh lẳng lặng nhìn về xa xăm không nói nên lời, ông chỉ muốn thời gian chậm lại để được ở lâu hơn với những người mà năm xưa cùng chung chí hướng với mình “Tất cả vì miền Nam thân yêu”. Gần nửa thế kỷ trôi qua, trở về cuộc sống đời thường, nhưng chưa bao giờ ông quên được hình ảnh dũng cảm, kiên cường của những chàng trai trẻ năm xưa, khi sự sống và cái chết gần như không có khoảng cách, cứ người này nằm xuống thì người kia tiếp tục lao lên chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, quyết tâm mở đường Trường Sơn tiến vào giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước. Từng chiến đấu anh dũng năm xưa với sự gan dạ, kiên cường, nhưng trong lần trở lại lần này, người Tiểu đoàn trưởng Dương Công Thêm năm xưa không kìm được xúc động trước nơi yên nghỉ của đồng đội mình. “Trong chiến tranh muôn vàn đau xót. Đường chênh vênh trên đường 9, cứ đi 30, 35 km thì nghỉ rồi tiếp tục đi. Đi thì có lúc bị lộ bom đạn địch bắn phá ác liệt, nhưng ta chọn thời điểm thích hợp để tiếp tục đi.” Dương Công Thêm nói

Ông khóc vì may mắn hơn nhiều đồng chí, đồng đội của mình, khi ông được sống trong hòa bình, trong sự yêu thương của gia đình, con cháu, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thì các bạn của ông mãi mãi nằm lại chiến trường xưa lúc tuổi đời còn rất trẻ.

Một trong nhiều khu an nghỉ của các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9

Một trong nhiều khu an nghỉ của các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 – họ là những chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt ở mặt trận Quảng Trị khốc liệt

Là lớp hậu sinh đi sau, không trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị khốc liệt trong kháng chiến chống Mỹ, nhưng cựu chiến binh Trần Văn Hiểu, sinh năm 1958 không khỏi nghẹn ngào khi đến viếng các anh tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. “Mình kế thừa truyền thống nối tiếp đời quân ngũ của cha anh, mình cảm thấy rất tự hào. Tôi cũng là người trực tiếp đóng góp công lao cho Tổ quốc trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 77, 79.” Cựu chiến binh Trần Văn Hiểu nói.

Giữa buổi trưa nắng gắt, ông Nguyễn Văn Quản - Phó trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, một tay vừa rải mấy hạt lúa, một tay ông cầm còi đưa lên miệng. Sau tiếng “tuýt tuýt”, chúng tôi ngỡ ngàng với tiếng đập cánh rào rào từ một góc khuất sau những hàng cây to, những con chim bồ câu bay về hướng người quản trang sà xuống mặt sân nhặt thức ăn. Giữa không gian linh thiêng, từng sợi khói hòa quyện vào không trung, lại xuất hiện từng đàn bồ câu bay xung quanh, trên bầu trời, vờn xuống sân, ngay chân người đi viếng, lòng chợt bồi xúc động biết bao giữa nơi chốn linh thiêng này. Các anh nằm xuống, để những cánh chim hòa bình được bay lên. Chia sẻ với chúng tôi, người quản trang đã gắn bó với Nghĩa trang Đường 9 hai chục năm trời kể rằng, ông từng nghĩ ở nghĩa trang nếu như có chim bồ câu đến là điều quá kì diệu, vậy nên năm 2015, Ban quản lý đề xuất với lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh lập đề án nuôi chim bồ câu, vận động mạnh thường quân tài trợ kinh phí mua gần 200 con, thuê hẳn nghệ nhân về nghĩa trang để huấn luyện chim, đến khi thành thạo mới trao kinh nghiệm lại cho nhân viên. Ông không thể quên được cảm xúc lần đầu tiên đàn chim bay về sau tiếng gọi: “Đặc biệt, đối với thân nhân liệt sĩ, các đoàn cựu chiến binh, các vị từng tham gia chiến đấu tại Quảng Trị, mỗi lần đến đây, chúng tôi sắp xếp cho đàn chim bồ câu bay ra, nhìn thấy hình ảnh này họ cảm thấy rất khí thế, họ cảm nhận mình làm một việc quá hay. Chúng tôi vẫn cố gắng duy trì và làm tốt việc này, lúc nào cũng cố đảm bảo được cho khách có được hình ảnh bồ câu, gắn với hình tượng hòa bình.” Ông Nguyễn Văn Quản cho biết.

Hằng ngày vẫn luôn có những cựu chiến binh từ khắp mọi miền của tổ quốc  đến viếng đồng đội đã nằm xuống vì quê hương

Hằng ngày vẫn luôn có những cựu chiến binh từ khắp mọi miền của tổ quốc  đến viếng đồng đội đã nằm xuống vì quê hương

Công việc hầu như không có ngày nghỉ, đặc biệt là dịp lễ, các nhân viên phải chuẩn bị kỹ càng hơn để phục vụ các đoàn khách, thân nhân liệt sĩ tới viếng thăm một cách chu đáo. Ông Quản nhẩm tính, toàn bộ nhân viên có 15 người, phụ trách chăm sóc hơn 10.700 mộ, bình quân mỗi người chăm lo cho hơn 1.000 phần mộ. Ngay như em Võ Thị Em Pi, sinh năm 1990, ban đầu em chỉ nghĩ đơn giản được nhận vào làm với chức danh văn phòng là quản lỷ hồ sơ liệt sĩ, kiêm nhiệm hướng dẫn khách làm lễ, đọc lễ, chứ không nghĩ mình làm luôn công việc lao động chân tay, quét dọn các chân mộ, chăm sóc các khu mộ. Pi cho biết lúc mới vào làm em cũng không nghĩ lại yêu công việc của mình đến thế. “Mỗi tuần, lịch 2 ngày đi chăm sóc các lô mộ: quét dọn, nhổ cỏ, thay cát lư hương, thay các bình hoa bị vỡ cho các liệt sĩ. Mỗi tuần như thế, sẽ có một ngày đi lao động công đoàn là cả tập thể cùng đi lao động quét dọn cả nghĩa trang. Có hai dịp lớn là 30/04 và 27/07, trước hai dịp này bên nghĩa trang sẽ làm việc là thay cát lư hương cho 10.700 mộ, thay hoa, lọ hoa cho 10.700 mộ như thế” Võ Thị Em Pi nói.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, nằm trên một khu đồi sát Quốc lộ 9, thuộc phường 4, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Với diện tích 15 ha, là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 mộ liệt sĩ, trong đó hơn 65% mộ liệt sĩ chưa biết tên, 30% mộ liệt sĩ có đầy đủ tên tuổi, quê quán và gần 1.000 ngôi mộ liệt sĩ có tên, nhưng không có địa chỉ, quê quán. Một điều đặc biệt tại đây, còn có một khu mộ tập thể gần 400 liệt sĩ, trong đó ngôi mộ tập thể lớn nhất có 123 liệt sĩ. Hàng ngày trôi qua, các anh vẫn nằm đó - hiên ngang, can trường như những gì các anh đã hy sinh cho đất nước,  cho miền Nam thương yêu như ruột thịt… Rời Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, nhóm phóng viên chúng tôi men Quốc lộ 9, chạy dọc trên đường Trường Sơn huyền thoại nay là đường Hồ Chí Minh để đến với Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

Đón đọc Kỳ 3: “Từ Đường 9 Nam Lào đến Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn huyền thoại”

Bình luận