"Xoá trắng" cao tốc, phát huy lợi thế đồng bằng sông Cửu Long

(VOH) – Làm thế nào để 'xoá trắng' cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long là nội dung chính của buổi hội thảo do báo Thanh Niên tổ chức vào sáng ngày 31/5.

Hội thảo tập trung vào các vấn đề về tầm quan trọng của giao thông với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thực trạng giao thông tại các thủ phủ nông sản, kinh nghiệm thực tiễn dự án cao tốc qua phân tích của các chuyên gia kinh tế, chính quyền địa phương các tỉnh ĐBSCL và nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông trên cả nước.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập báo Thanh Niên lý giải rằng: "Xoá trắng" cao tốc - cụm từ thể hiện sự quyết tâm của Bộ Chính trị, của Chính phủ trong Nghị quyết 13 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và một loạt các Hội nghị triển khai Nghị quyết sau đó. "Xóa trắng" còn thể hiện sự mất cân xứng giữa vai trò, vị trí, tiềm năng và những đóng góp của ĐBSCL và hạ tầng giao thông vận tải.

Hạ tầng giao thông nói chung và cao tốc nói riêng của khu vực này lại hết sức khiêm tốn và việc này đã được đề cập rất nhiều lần tại nghị trường Quốc hội. Đảng và Nhà nước đều nhìn nhận rất rõ nghịch lý này nên tuyến đường cao tốc hiện đại đầu tiên của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng được xây dựng cách đây gần 2 thập kỉ.

Đó là tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương. Đáng nói là dù khởi động sớm để rồi suốt hơn một thập kỉ qua, trong khi nhiều tỉnh, thành trên cả nước nhộn nhịp khởi công, xây dựng, khánh thành rất nhiều tuyến đường cao tốc, song khu vực ĐBSCL nói riêng gần như đóng băng. Chỉ có một dự án đường cao tốc được khởi công là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nhưng rồi dự án đã nằm im kéo dài, đến mãi dịp 30/4/2022 mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Sự mất cân xứng này đã kìm hãm rất nhiều lợi thế phát triển của ĐBSCL trong suốt 2 thập kỉ qua” - Tổng Biên tập báo Thanh Niên chia sẻ.

Xoá trắng cao tốc, phát huy lợi thế Đồng bằng sông Cửu Long 2
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải ông Nguyễn Duy Lâm phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm nhận định: Dù diện tích tự nhiên lớn, với 13 tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng nhưng hạ tầng giao thông của ĐBSCL hạn chế, nhất là hệ thống cao tốc chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải khối lượng lớn, tốc độ nhanh và an toàn. Đến nay, toàn vùng ĐBSCL chỉ có 91km đường cao tốc so với 1.239km của cả nước, tức chỉ chiếm 7%. 

Đề cập đến nguyên nhân chủ yếu khiến khu vực này ít đường cao tốc, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho rằng: "Do nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông trong khu vực chưa đáp ứng nhu cầu, do điều kiện đặc điểm địa hình khu vực ĐBSCL bị chia cắt, nền địa chất rất yếu và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Do đó số lượng công trình không nhiều, suất đầu tư lớn nên kêu gọi xã hội hóa bị hạn chế. Theo tính toán, suất đầu tư cho công trình hạ tầng giao thông tại ĐBSCL cao gấp 1,3-1,5 lần khu vực khác trong cả nước”. 

Nhận định về quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông trong giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050, ông Nguyễn Ngọc Hè - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng có 3 dự án đầu tư đường rất quan trọng với các tỉnh miền Tây gồm: Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đáp ứng vận tải theo trục ngang và đường sắt TPHCM - Cần Thơ.

Việc đầu tư xây dựng hoàn thành các tuyến cao tốc này giai đoạn 2021-2025 rất cần thiết và cấp bách để kết nối đồng bộ, từng bước hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc trục dọc, trục ngang theo quy hoạch, kết nối trung tâm vùng ĐBSCL qua địa bàn Cần Thơ và kết nối liên vùng TPHCM, vùng Đông Nam Bộ và cả nước, tạo sức lan tỏa, động lực thúc đẩy phát triển xã hội” - ông Nguyễn Ngọc Hè chia sẻ. 

"Đồng thời, các tuyến cao tốc này sẽ giúp kết nối giao thông thuận lợi, nhanh chóng từ các tỉnh vùng ĐBSCL đến các khu chức năng quan trọng của Cần Thơ đã và đang quy hoạch" - ông Hè nhấn mạnh. 

Khẳng định phát triển cao tốc là vấn đề quan trọng nhưng TS Trần Du Lịch cho rằng yếu tố quyết định về giao thông để kết nối ĐBSCL và Đông Nam Bộ là đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Lấy Cần Thơ làm trung tâm hội tụ và kết nối các tỉnh ĐBSCL. Và từ vùng đất Tây Đô sẽ về TPHCM bằng đường sắt bên cạnh các tuyến đường khác đang có.

TS Trần Du Lịch nói thêm: "Mối quan hệ kinh tế giữa ĐBSCL và TPHCM, Đông Nam Bộ là quan hệ cực kì chiến lược. Rất mừng trong chiến lược về giao thông, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị có đề cập đến đường sắt Sài Gòn - Cần Thơ. Tôi mong chúng ta quan tâm hơn, ưu tiên hơn về đường sắt này. Đấy là con đường phát triển chiến lược cùng với cao tốc”. 

Mặc dù là 1 trong những tỉnh có trữ lượng cát lớn nhất khu vực ĐBSCL nhưng ông Nguyễn Cư Trinh - Phó GĐ Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp băn khoăn trước vấn đề khó khăn về vật liệu xây dựng. Theo tính toán của tỉnh Đồng Tháp, trong 5 năm tới tỉnh Đồng Tháp cần tới 10 triệu m khối cát để hoàn thành các công trình giao thông nhưng trữ lượng chỉ đáp ứng được 30-40%. “Nguồn cát không thể nào khai thác vô tận, nhu cầu về cát, đất rất khó khăn. Tôi thiết nghĩ Bộ xây dựng, Bộ Giao thông vận tải nên tìm nguồn vật liệu khác thay thế dần để việc đầu tư xây dựng tuyến giao thông trên khu vực ĐBSCL thời gian tới được thuận lợi hơn” - ông Nguyễn Cư Trinh cho biết. 

Xác định hạ tầng giao thông là động lực cho sự phát triển, hiện Bộ GTVT đã triển khai lập đồng thời 5 quy hoạch ngành quốc gia, đây là điều kiện thuận lợi để hoàn thành xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại bảo đảm kết nối hiệu quả giữa các phương thức nhằm tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải và giảm chi phí logistics, phấn đấu đến năm 2050 ĐBSCL có 1.180km đường cao tốc. 

Trong giai đoạn 2021-2025 ngành giao thông sẽ cố gắng cùng các địa phương hoàn thành cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, hoàn thành cơ bản cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Trình chủ trương đầu tư cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dự kiến thông qua trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra và khởi công cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh vào năm 2023.