Sáng 18/3, Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022 Chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch TPHCM - 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long và phát động ‘mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới’ diễn ra tại Bạc Liêu.
Khoảng 250 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý du lịch ở mỗi địa phương và các doanh nghiệp du lịch tham dự và đóng góp nhiều ý kiến để sớm phục hồi đà phát triển du lịch khi Chính phủ đã mở cửa lại các hoạt động du lịch quốc tế.
Khai mạc Hội nghị, ông Phạm Văn Thiều, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho hay, đến nay các hoạt động sản xuất - kinh doanh tại đây tiếp tục được duy trì và dần thay đổi theo trạng thái bình thường mới. Tỉnh cũng đẩy mạnh tập trung phát triển và thu hút đầu tư vào 5 lĩnh vực trụ cột, đặc biệt là sự vươn lên mạnh mẽ của lĩnh vực năng lượng với 08 dự án điện gió hoàn thành, đang hoạt động ổn định.
Ông Thiều cho hay: "Bạc Liêu là một trong số ít địa phương mà Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã 02 lần ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch với mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Trước mắt, chúng tôi phấn đấu đến năm 2025, đón hơn 7 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 10 ngàn tỷ đồng; chiếm khoảng 7% trong tổng GRDP của tỉnh"
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho hay, từ năm 2019, các chương trình liên kết TPHCM và các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước được triển khai rộng rãi và mang lại những hiệu quả thiết thực, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp du lịch, trong đó chương trình liên kết TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL nhận được sự đánh giá cao từ Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, Thành ủy, UBND TPHCM…
Đại diện Saigontourist, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) cho biết, dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng từ ngày 28/02 - 09/10/2020 đơn vị vẫn triển khai các chương trình làm việc trực tiếp, cụ thể về liên kết, hợp tác, phát triển du lịch với tất cả 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long địa phương.
Kết quả khảo sát được 126 tuyến điểm, 31 khách sạn, resort, homestay... Qua đó, Saigontourist đã xây dựng và triển khai chào bán 03 sản phẩm liên tuyến theo Kế hoạch với các tên gọi mới, phù hợp bản sắc của mỗi sản phẩm, thể hiện nét đặc trưng khu vực sông Mekong – Đồng bằng sông Cửu Long, thu hút và thuận lợi truy cập thông tin của du khách nội địa, quốc tế.
Cũng theo ông Tài, tính từ thời điểm ký kết thoả thuận đến nay, Saigontourist Group đã khai thác thu hút khách đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với số lượng ước đạt hơn 60.000 lượt khách (chủ yếu là khách du lịch nội địa) trong 02 năm 2020 – 2021.
Kiến nghị về những tồn tại trong quá trình đưa khách đến ĐBSCL, ông Tài nêu: "Tuy có tiềm năng để trở thành điểm du lịch trong tương lai nhưng một số điểm khảo sát đa phần còn khá mới mẻ, cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, hạ tầng dịch vụ còn yếu, số lượng còn ít, nguồn nhân lực và dịch vụ chưa đạt chuẩn, chưa đảm bảo an toàn và vệ sinh nên chưa thể khai thác ngay, cần thêm thời gian để đầu tư, hoàn thiện và đào tạo tay nghề. Các địa phương khu vực ĐBSCL cần cung cấp thêm hình ảnh, thông tin phục vụ việc tham khảo, tìm hiểu và đánh giá; Cần thống nhất kiểm soát dịch bệnh giữa các địa phương".
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng, cần đồng bộ các chính sách phòng chống dịch thống nhất ở mỗi địa phương để chủ động xây dựng các giải pháp đón và phục vụ du khách; cần tăng cường đầu tư giao thông để liên kết các tỉnh trong vùng phục vụ việc phát triển du lịch.
Theo ông Duy, hiện, các tỉnh thành ĐBSCL có đẩy đủ các loại hình giao thông từ đường bộ, đường thủy, đường không, tuy nhiên, tất cả đều chưa phát huy được tối đa khả năng kết nối toàn vùng nếu không quyết liệt đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đồng bộ.
Ông Duy cũng đề xuất: "Sớm nghiên cứu, đề xuất phát triển mạng lưới sân bay để rút ngắn thời gian di chuyển cho du khách từ các thị trường nguồn như Hà Nội, TPHCM… Ngoài ra, cũng cần tạo cơ chế để đầu tư phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ ở các tỉnh miền Tây sẵn sàng đáp ứng nhu cầu gia tăng số lượng du khách trong tương lai. Xem xét, đầu tư lại các tour tuyến trọng điểm để tạo sự đa dạng thu hút du khách sau đại dịch".
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho hay, đến nay, với hiệu quả của các chính sách phòng chống dịch và chiến lược phủ vacxin trên diện rộng của chính phủ và các địa phương, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đời sống kinh tế xã hội đang bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt và an toàn, kiểm soát có hiệu quả covid-19.
Trong bối cảnh đó, ngành du lịch TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL cũng đã chủ động nhiều biện pháp để khởi động lại hoạt động. Tuy nhiên, du lịch vùng đang đứng trước các khó khăn và thách thức như, cơ sở vật chất hạ tầng của các khu điểm du lịch, khu vui chơi giải trí và cả cơ sở lưu trú xuống cấp, hư hỏng hoặc ngừng phục vụ dẫn đến tình trạng nhiều sản phẩm, tour tuyến phải ngừng khai thác, số lượng sản phẩm không còn đa dạng.
Nguồn nhân lực vừa bị thiếu hụt vừa suy giảm tay nghề ảnh hưởng đến chất lượng cũng như khả năng cung ứng dịch vụ cho du khách… Việc chưa đồng bộ, chưa nhất quán trong các quy định phòng chống dịch bệnh giữa các địa phương dẫn đến việc doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong xây dựng và chào bán các sản phẩm liên tuyến, liên vùng và du khách còn tâm lý e ngại khi đi du lịch liên tuyến.
Theo bà Thắng, thực tế đó đòi hỏi TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hợp tác giữa các tỉnh thành trên tất cả các nội dung đã thống nhất.
Để tăng tính hiệu quả của liên kết và thu hút được khách du lịch, trong năm 2022, TPHCM đề xuất phối hợp tập trung thực hiện 5 nội dung trọng tâm: "Thứ nhất, tăng cường xây dựng các sản phẩm liên tuyến giữa TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trên các trục tour, tuyến mà các tỉnh, thành và doanh nghiệp Thành phố đã khảo sát trong năm 2020;
Thứ hai, các địa phương trong cụm liên kết cần thực hiện nhất quán quy định của Bộ Y tế và ban hành các quy định phòng chống dịch bệnh, các quy trình xử lý liên quan đến covid-19 kịp thời, phù hợp với thực tiễn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức tour tuyến và tạo sự an tâm, khuyến khích du khách đi du lịch;
Thứ ba, phối hợp để bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực nhằm bổ sung đủ lượng và chất để nâng cao chất lượng phục vụ và chất lượng sản phẩm;
Thứ tư, tăng cường công tác quảng bá thương hiệu du lịch vùng đến các thị trường để “hút” dòng khách từ các tỉnh, thành khác và du khách quốc tế đến trải nghiệm các chương trình du lịch liên kết của vùng;
Thứ năm, phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến, mời gọi đầu tư du lịch vào TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL cùng với 5 tỉnh Đông Nam Bộ để thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch mang quy mô và đặc trưng của vùng".
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, sau thời gian triển khai ký kết hợp tác liên kết liên kết phát triển du lịch, các doanh nghiệp lữ hành tại TPHCM đã cùng nghiên cứu, khảo sát và hình thành 3 trục tuyến du lịch liên kết các tỉnh:
Tuyến du lịch “Những nẻo đường phù sa” kết nối TP.HCM – Tiền Giang – Vĩnh Long – Cần Thơ – Hậu Giang – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau; Tuyến du lịch “Non nước hữu tình” kết nối TP.HCM – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh; Tuyến du lịch “Sắc màu vùng biên” kết nối TP.HCM – Tiền Giang - Long An – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang.
Trên cơ sở 3 trục tuyến, đã phát triển hơn 50 chương trình du lịch (tour) kích cầu từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh, được giới thiệu và giao dịch trên website kích cầu www.kichcaudulichtphcm.vn. Đây là những tuyến hấp dẫn để các doanh nghiệp khai thác và quảng bá, thu hút du khách tới đây.
Kết thúc hội nghị, đại diện ngành du lịch, Hiệp hội các địa phương hợp tác liên kết đã nhấn nút chính thức phát động phục hồi du lịch sau đại dịch.