Xuân về trên những công trình hạ tầng, thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long

(VOH) - Là vựa lúa, nông sản lớn nhất cả nước, tiềm năng vùng ĐBSCL trong năm mới 2022 lại càng phát huy hơn khi nhiều công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi được đầu tư, đưa vào sử dụng.

Những ngày xuân này, người dân đồng bằng ĐBSCL đón Tết phấn khởi hơn, vui tươi hơn khi chứng kiến sự thay da đổi thịt của nhiều vùng sản xuất trước sự hiện đại hoá của các công trình.

Lão nông Đoàn Văn Quân, ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đón tết nhẹ nhàng thoải mái hơn bởi không phải vừa vui xuân vừa lo canh nước mặn về sớm như các năm trước.

Ông cho biết, vụ lúa Đông Xuân của gia đình vừa xuống giống hơn 1 tháng, dự kiến thu hoạch sau Tết Nguyên đán. Đặc biệt, trong 2 mẫu ruộng của gia đình có 7 công nằm ngoài đê bao. Mỗi khi nước mặn xâm nhập, ông chuyển sang nuôi tôm càng xanh, tuy nhiên thu nhập chính vẫn là trồng lúa.

Ông chia sẻ, có những năm lúa chưa kịp thu hoạch, nước mặn đã tràn về, làm gia đình không kịp trở tay. Chưa kể, khu vực ruộng nằm trong đê bao không được cung cấp đủ nước ngọt, cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sự tăng trưởng của cây trồng.

Vì vậy, hay tin công trình thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé vận hành, ông hy vọng: "Có nước ngọt, nhẹ lo rồi. Mấy năm trước, công trình chưa vận hành có khi mặn tràn về sớm. Trước đây, đê bao khép kín nhưng cũng không đảm bảo, phải trông chờ nước mưa. Cống vận hành ngon lành mình làm dễ hơn, chủ động nước, bơm lên tưới tiêu, cống Cái Lớn - Cái Bé vận hành thì ngon".

Xuân về trên những công trình hạ tầng, thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long 1
"Siêu cống" Cái Lớn - Cái Bé nhìn từ trên cao (Ảnh: TTO)

Hậu Giang vốn có địa hình trũng thấp, lại chịu ảnh hưởng của 2 chế độ triều Biển Đông và triều Biển Tây nên dễ bị tổn thương trước tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Dự án công trình Cống Cái Bé - Cái Lớn nằm ở phía Tây đồng bằng sông Cửu Long, khi vận hành sẽ tạo nên vùng hưởng lợi rộng lớn liên tỉnh với diện tích lên tới hàng trăm ngàn ha. Trong đó, Hậu Giang là một địa phương được hưởng lợi nhiều nhất.

Công trình sẽ giúp kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, mặn, lợ.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi, tỉnh Hậu Giang cho biết, dự án công trình thủy lợi Cống Cái Lớn - Cái Bé dù nằm trên địa bàn tỉnh Kiên Giang nhưng vùng hưởng lợi của tỉnh Hậu Giang cũng lên đến hơn 45.000 ha, tạo điều kiện triển khai thêm các phương thức sản xuất thích hợp, để đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn.

"Trước kia những vùng này thường xuyên ảnh hưởng xâm nhập mặn nhưng tỉnh không chủ động việc kiểm soát, phát triển sinh kế rất khó khăn. Hiện nay, cơ bản mặn được kiểm soát" - ông Trần Thanh Toàn chia sẻ.

Không chỉ đầu tư thủy lợi phục vụ sản xuất, hạ tầng giao thông nhằm phục vụ vận chuyển hàng hoá thương mại của đồng bằng sông Cửu Long cũng được tập trung triển khai trong thời gian qua cũng như trong những dự án sắp tới. Trong đó, bao gồm cả các công trình trọng điểm về đường thủy nội địa như dòng Kênh Chợ Gạo dài gần 28 km.

Tuyến kênh lâu đời này là tuyến đường thủy ngắn nhất từ tỉnh Tiền Giang và các tỉnh ven sông Tiền về TPHCM. Nay, đang dần được thay áo mới với hệ thống bờ kè từng bước kiên cố hoá, giải toả phần nào nỗi lo sạt lở của bà con ven kênh.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thảnh, ấp Quang Khương, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, trước đây nhà chị nằm ngay bên bờ kênh. Để phục vụ cho việc cải tạo nâng cấp tuyến kênh, nhà nước đã bồi thường và bố trí tái định cư cho gia đình về gần đó. Những ngày giáp tết lượng ghe hàng chở nông sản, hoa kiểng vốn tấp nập lại càng thêm náo nhiệt.

Chị Ngọc Thảnh cho hay: "So với lúc trước, tuyến kênh hiện giờ rất đẹp, lại rộng hơn, tàu ghe chạy cũng nhiều hơn trước đây. Nhiều khi đứng ở bờ sông nhìn rất đẹp, ghe tàu liên tục nhất là mấy ngày Tết này, có khi chở bông, chở hoa, chở cây cảnh. Đa số những ngày tết là chở những hàng hoá đó. Đường bộ ưu điểm là nhanh hơn, nhưng đường thủy người ta thường chở những món đồ cồng kềnh hơn".

Ước tính mỗi ngày dòng kênh Chợ Gạo có hơn 2.000 phương tiện thủy chở hàng hoá có tải trọng lớn lưu thông. Trước đây, tuyến kênh thường xuyên rơi vào tình trạng tắc nghẽn lưu thông. Sạt lở bờ sông cũng là mối lo của không ít hộ dân ven kênh.

Tuy nhiên, từ khi tuyến kênh được đầu tư nâng cấp, bờ kè và đường giao thông ven kênh được khoác bộ áo mới tinh tươm, lòng kênh cũng được nạo vét để việc di chuyển của các phương tiện thuận lợi hơn. Bà con trong vùng càng thêm phấn khởi vì vận chuyển nông sản dễ dàng, đồng nghĩa với đầu ra bán được giá tốt hơn. 

Ông Nguyễn Hồng Hữu, Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho rằng: "Việc triển khai thực hiện giai đoạn 2 dự án hết sức quan trọng, tạo động lực cho việc phát triển kinh tế xã hội toàn vùng gắn kết với TPHCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Namvà vùng Đông Nam bộ. Giúp tăng tốc độ lưu thông, luân chuyển hàng hoá đường thủy nội địa, giảm tải giao thông đường bộ, giảm chi phí và tăng năng lực cạnh tranh của hàng hoá nông sản chủ lực các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long".

Sự quan tâm của Chính phủ đến vùng còn thể hiện khi quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành đồ án quy hoạch đầu tiên trong số 6 quy hoạch vùng của cả nước được đưa ra lấy ý kiến hoàn thiện.

Bản đồ án quy hoạch này sẽ tích hợp các ngành từ giao thông đến thủy lợi, sản xuất... nhưng đồng thời cũng là tích hợp của 13 tỉnh, thành phố, để tạo sự đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, phát huy hiệu quả tiềm năng của vùng.

Chính phủ cũng định hướng xác định đồng bằng sông Cửu Long theo hai khía cạnh “Nơi sống tốt” khi nhìn từ bên trong vùng và “Nơi đáng đến” khi nhìn từ ngoài vùng.

Hoà cùng không khí mùa xuân, bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long còn tự nhắc nhau về một "Nơi đáng tự hào" khi người dân nơi đây vượt qua được những khó khăn, những nguy cơ để có thể làm giàu và phát triển bền vững.