Thực hiện Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 61 năm qua, từ ngày đầu thành lập Bộ Y tế của Chính phủ Lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa 27/8/1945 cho đến nay, ngành Y tế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, cán bộ chiến sĩ.
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, theo chỉ đạo của Thành ủy - Ủy ban Nhân dân TPHCM Bộ Y tế, ngành y tế thành phố đã khẩn trương cùng với các ngành bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước và khắc phục những hậu quả của chiến tranh để lại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của nhân dân.
Trong quá trình đó, ngành y tế thực hiện phương châm đổi mới là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, kết hợp chặt chẽ giữa công tác dự phòng và điều trị, đầu tư cho mạng lưới y tế cơ sở đồng thời triển khai các đơn vị y tế chuyên sâu, từng bước xây dựng ngành y tế thành phố phát triển bền vững.
Từ trái: Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 nhận Huân chương Lao động hạng 2 vì những đóng góp to lớn trong công tác điều trị bệnh nhiễm và phòng chống dịch; Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 và Dược sĩ Trần Hữu Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm, nhận Huân chương Lao động hạng Ba (Ảnh: Nhất Hương).
Trui rèn y đức
Bên cạnh việc không ngừng nâng cao tay nghề thì đội ngũ cán bộ y tế TPHCM luôn cố gắng trui rèn Y đức. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc – nay đã đã 77 tuổi, nguyên Giám đốc Trung Tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe TPHCM đại diện cho lớp thầy thuốc đi trước chia sẻ: "Các bác sĩ cần học, học nữa, học mãi để trở thành một người tốt, người giỏi trong ngành Y. Bệnh nhân phó thác tính mạng cho mình nên đòi hỏi sự thấu cảm. Sự thấu cảm là đặt mình vào hoàn cảnh họ, những nỗi khổ, nỗi đau của người bệnh để giúp họ, coi những người đó là những người thân, do đó mình phải tôn trọng họ. Chân thành, thấu cảm, tôn trọng là 3 yếu tố quan trọng trong ngành y".
Thuộc lớp bác sĩ trẻ, bác sĩ chuyên khoa 1 Lương Chấn Lập – Bí thư đoàn Bệnh viện Ung bướu TP luôn tự nhủ phải luôn không ngừng nâng cao Y đức – đó là cách để ngày càng hoàn thiện mình hơn.
"Đối với người làm ngành Y thì việc nâng cao Y đức chính là nâng cao tay nghề, trình độ nghiên cứu, làm chủ trang thiết bị hiện đại để nhanh chóng tìm ra căn bệnh và phương pháp điều trị. Cùng với đó là nâng cao tinh thần trách nhiệm để tận tụy với người bệnh. Những người bác sĩ có y đức dù trong môi trường nào họ cũng hành động vì tình người cho nên việc thường xuyên giữ gìn, bảo vệ , trau dồi Y đức là rất cần thiết" - bác sĩ Lập tâm sự.
Là tấm gương tiêu biểu của ngành Y tế, vinh dự nhận được Huân chương Lao động hạng 2, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa nhiễm – thần kinh – Bệnh viện Nhi đồng 1 tâm sự về đức hy sinh của những người làm nghề trong bối cảnh ngày nay: "Bác sĩ trẻ hiện nay tính hy sinh không được như hồi xưa, bởi vì có quá nhiều điều kiện thuận lợi, quá nhiều cám dỗ. Từ tính hy sinh và tính nhân văn mới tạo nền tảng Y đức bền vững được. Nếu mình không hy sinh thì rất khó làm ngành Y".
Luôn ghi nhớ lời Bác dạy
Giám đốc Sở Y tế TP PGS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh - đại diện ngành Y tế quyết tâm đưa ngành Y ngày càng phát triển, rèn luyện cả về chuyên môn lẫn Y đức để xứng danh “thầy thuốc như mẹ hiền”.
"Chúng ta, những người cán bộ y tế luôn ghi nhớ lời Bác dạy, nỗ lực phấn đấu, học tập, rèn luyện và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Học theo lời dạy của Bác, các thế hệ thầy thuốc Việt Nam đã không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, vươn lên trong mọi lĩnh vực công tác, và theo bước cha anh viết tiếp những trang sử đầy tự hào của ngành y tế cách mạng Việt Nam. Toàn thể cán bộ y tế chúng ta nguyện hứa với Bác sẽ làm hết sức mình để xứng danh với tên gọi "Thầy thuốc như mẹ hiền".
Làm sao để những tấm gương sáng ngời về lòng yêu nghề, tận tụy với bệnh nhân ngày càng nhân rộng tron ngành, phấn đấu đạt hai tiêu chí “giỏi chuyên môn , giàu Y đức” - Là sự mong mỏi và chờ đợi tha thiết từ bệnh nhân.