Hôm 7/10, Tòa án Xét xử Các vụ kiện nhỏ tại Hong Kong đã ra phán quyết yêu cầu chuỗi phòng gym này bồi thường gần 19.000 USD cho hai khách hàng bị ảnh hưởng bởi sự việc này.
Hai khách hàng là Hung Yuk-fai và Lin Wai-ming đã nộp đơn kiện, cáo buộc dịch vụ của trung tâm không đáp ứng được các thỏa thuận trước đó. Hung Yuk-fai được tòa phán quyết nhận 14.000 USD bồi thường cho khóa điều trị cột sống không phẫu thuật mà anh đã đăng ký tại chi nhánh Tsim Sha Tsui của Physical vào năm 2022. Trong khi đó, Lin Wai-ming cũng nhận được số tiền bồi thường tương đương gần 5.000 USD.
Physical Fitness, với 38 năm hoạt động tại Hong Kong, đã không phản hồi các cáo buộc hay nộp đơn kháng cáo. Trong khi đó, Simon Lui Kin-man, trọng tài viên chính của vụ kiện, khuyến cáo các nạn nhân tìm kiếm tư vấn pháp lý để thực thi phán quyết và khôi phục tổn thất của họ. Ông cũng cho biết công ty có thể nộp đơn xin lật lại phán quyết nếu có yêu cầu trong tương lai.
Vào đầu tháng 9, Physical Fitness thông báo đóng cửa 23 chi nhánh trên toàn thành phố do không thể trang trải chi phí thuê quá cao. Quyết định này không chỉ khiến khách hàng bức xúc mà còn làm hàng trăm nhân viên mất việc mà không nhận được thông báo trước.
Sau khi Physical đóng cửa, Cơ quan Bảo vệ Người tiêu dùng Hong Kong đã nhận được hơn 600 khiếu nại từ khách hàng, với tổng số tiền yêu cầu bồi thường lên tới khoảng 2,4 triệu USD. Đến ngày 9/9, số lượng khiếu nại đã tăng lên hơn 1.000.
Một nhóm gồm 8 cựu huấn luyện viên của chuỗi phòng tập cũng đã báo cáo với cảnh sát. Họ cho biết, chỉ vài ngày trước khi công ty ngừng hoạt động, họ còn được khuyến khích quảng bá các chương trình thể hình với khoản hoa hồng hấp dẫn. Một huấn luyện viên, ông Fung, chia sẻ rằng công ty đã hứa trả hoa hồng 1.000 HKD cho mỗi hợp đồng trị giá 30.000 HKD, nhưng 5 ngày sau đó, Physical Fitness thông báo đóng cửa mà không hề có thông báo rõ ràng đến nhân viên.
Gilly Wong, người đứng đầu Hội đồng Người tiêu dùng Hong Kong, khuyến cáo khách hàng giữ lại tất cả hồ sơ liên quan đến hợp đồng dịch vụ và các khoản thanh toán để có thể yêu cầu hoàn lại tiền. Cô nhấn mạnh rằng những hành động mập mờ của Physical Fitness khiến người tiêu dùng không biết liệu nhà đầu tư mới có tiếp quản hoạt động của chuỗi phòng tập này hay không, hoặc các thay đổi dịch vụ sẽ ra sao.
Wong cũng cho rằng khách hàng cần xem xét kỹ lưỡng liệu nhà cung cấp dịch vụ mới có thể đáp ứng nhu cầu của họ hay không. Đồng thời, người tiêu dùng có quyền yêu cầu hoàn lại tiền từ cả công ty cũ và công ty mới nếu hợp đồng không được thực hiện như cam kết.