Mới đây, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một chiếc máy bay Boeing được "mặc áo khoác" kín mít, kèm thông tin rằng đây là cách để bảo vệ máy bay khỏi thời tiết khắc nghiệt ở Alaska, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống tới -60°C.
Đoạn video nhanh chóng thu hút gần 20 triệu lượt xem và trở thành đề tài bàn tán. Nhiều bài đăng khẳng định những chiếc "áo khoác" này giúp bảo vệ động cơ, giảm nguy cơ nhiên liệu bị đông lạnh và duy trì hệ thống hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, theo tờ Independent, đây hoàn toàn không phải là sự thật. Hình ảnh và video về chiếc máy bay "mặc áo khoác" thực chất là sản phẩm quảng cáo được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo (AI), thuộc một chiến dịch marketing sáng tạo của một thương hiệu.
Simon Calder, một chuyên gia hàng không và cây viết của tờ Independent, nhận định rằng ý tưởng "mặc áo khoác" cho máy bay là vô cùng phi lý. Ông giải thích:
"Không giống con người, máy bay không cần bất kỳ trang phục đặc biệt nào để đối phó với nhiệt độ cực thấp. Máy bay thường bay ở độ cao khoảng 12.000m, nơi nhiệt độ ngoài trời dao động từ -50°C đến -60°C."
Theo ông Calder, các hệ thống của máy bay hiện đại được thiết kế để chịu được nhiệt độ thấp tới -75°C mà không gặp vấn đề. Thậm chí, không khí lạnh còn mang lại một số lợi ích như tăng lực nâng và giúp động cơ hoạt động hiệu quả hơn.
Dù không cần "áo khoác", máy bay vẫn có thể gặp một số thách thức ở nhiệt độ thấp, đặc biệt khi đỗ dưới mặt đất trong thời tiết khắc nghiệt. Theo Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), việc làm ấm máy bay trước khi cất cánh là cần thiết ở các khu vực lạnh giá như Alaska.
Hãng hàng không Air Canada cũng khẳng định: "Máy bay được thiết kế để vận hành tốt trong điều kiện nhiệt độ thấp. Trên thực tế, không khí lạnh mang lại lợi thế lớn hơn khi vận hành, đặc biệt là ở độ cao."