Xu hướng này không chỉ thu hút sự chú ý mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về quan niệm thẩm mỹ và vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại.
Trào lưu chụp ảnh bầu giả bắt đầu nổi lên sau khi Meizi Gege, một người thuộc thế hệ Gen Z đến từ tỉnh Hồ Nam, đăng tải video trải nghiệm này trên mạng xã hội hôm 13/10. Trong video, Meizi xuất hiện với bụng bầu giả, gương mặt trẻ trung và vóc dáng thon thả, cùng lời chú thích: "Tôi tranh thủ đeo bụng bầu giả để chụp ảnh khi vẫn còn đẹp. Tôi thậm chí còn làm điều đó với bạn thân."
Những hình ảnh của Meizi nhanh chóng lan tỏa và thu hút hàng triệu lượt xem, bình luận. Nhiều người bày tỏ sự thích thú và muốn thử chụp ảnh với bụng bầu giả. Một người viết: "Tôi cũng muốn mua bụng giả và chụp ảnh bầu khi còn trẻ đẹp."
Trào lưu này đã nhanh chóng lan rộng, trở thành một "cơn sốt" trên mạng xã hội, đặc biệt ở những phụ nữ trẻ chưa kết hôn. Theo trang tin QQ, việc chụp ảnh bầu với bụng giả khá đơn giản, chỉ cần mua các phụ kiện mô phỏng các giai đoạn thai kỳ được bán rộng rãi trên các nền tảng trực tuyến.
Nhiều người ủng hộ trào lưu này vì cho rằng đây là cách để phụ nữ ghi lại khoảnh khắc mang thai "tưởng tượng" khi đang ở độ tuổi trẻ trung, rực rỡ nhất. Một số phụ nữ còn chia sẻ rằng họ từng chụp ảnh cưới hoặc ảnh bầu ở độ tuổi đôi mươi để lưu giữ hình ảnh trước khi cơ thể có thể thay đổi theo thời gian.
Tuy nhiên, trào lưu này cũng vấp phải nhiều chỉ trích từ dư luận. Một số ý kiến cho rằng việc chụp ảnh bầu giả có thể củng cố các tiêu chuẩn vẻ đẹp phi thực tế, như "phụ nữ phải trắng, gầy và trẻ", gây áp lực ngoại hình lên phụ nữ, đặc biệt là các bà mẹ trẻ. Những bức ảnh bầu giả thường mang thông điệp rằng ngay cả khi mang thai, phụ nữ cũng cần giữ vóc dáng hoàn hảo – điều mà các nhà phê bình nhận định là không thực tế và có thể gây tổn thương tâm lý.
Bên cạnh đó, trào lưu này còn khơi mào nhiều bình luận hài hước trên mạng xã hội. Một người đùa: "Tôi sẽ chụp ảnh sinh nhật lần thứ 70 ngay bây giờ, để đảm bảo khi đăng lên, trông tôi vẫn trẻ trung!" Một người khác nói: "Tôi muốn chuẩn bị ảnh tang lễ hoàn hảo trước khi qua đời."
Xu hướng này còn được xem như một lời thách thức với các định kiến truyền thống ở Trung Quốc, nơi phụ nữ thường bị áp đặt phải yêu, kết hôn, sinh con theo một trình tự nhất định. Việc công khai "không chồng mà chửa" – dù chỉ là qua những bức ảnh giả tưởng – đã phá vỡ nhiều chuẩn mực xã hội, gây sốc cho không ít bậc phụ huynh.
Điều đáng chú ý, trào lưu này xuất hiện trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với tỷ lệ kết hôn và sinh con giảm kỷ lục. Theo số liệu từ Bộ Nội vụ Trung Quốc, chỉ có 4,75 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn trong 9 tháng đầu năm 2024 – mức thấp nhất từ trước đến nay.