Bạo lực, chì chiết khiến trẻ "chai lì" hơn

(VOH) - Ở tuổi dậy thì, các em có những thay đổi tâm sinh lý với những biểu hiện tiêu cực như nói dối, lầm lì, nghịch phá...Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển tâm lý về sau.

Trẻ dậy thì, cha mẹ đau đầu !

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long, chuyên viên tâm lý Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - TPHCM: "Tuổi dậy thì có nhiều biến đổi tâm sinh lý. Các cháu bắt đầu có nhiều biểu hiện không tốt như nói dối, lầm lì, nghịch phá. Đây là khách quan do trẻ bước vào giai đoạn "sắp thành người lớn" nên muốn bắt chước và được thể hiện như người lớn".

* Một phụ huynh sống ở Thủ Đức - TPHCM cho biết: con trai 14 tuổi, thời gian gần đây cháu có biểu hiện thường ăn cắp tiền của ba mẹ thậm chí còn tự sao chép chìa khóa tủ để thuận tiện hơn trong việc ăn cắp. Phát hiện ra việc này, anh chị đã đánh đòn cháu và tiến hành thay đổi toàn bộ ổ khóa cả nhà. Ngoài ra, từ sau sự kiện ấy, anh chị vẫn luôn cảm thấy ngờ vực chính con trai mình trong mọi việc.

 Th.s Nguyễn Hữu Long lưu ý : 

- Đòn roi không phù hợp với trẻ. Không nên dùng từ "ăn cắp" vì đối với con trẻ, đây là một từ mang ý nghĩa nặng nề. Những hành vi này có tác dụng tiêu cực đến tâm lý của các cháu, dễ khiến các cháu trở nên chai lỳ hơn, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tính cách sau này.

- Với các trường hợp trẻ phạm lỗi lần đầu, các bậc phụ huynh nên thể hiện sự tha thứ. Trò chuyện, chia sẻ và tìm hiểu động cơ nào khiến các cháu phạm lỗi. Phải chăng do có một nhu cầu chi tiêu nào đó ? Thường ngày ba mẹ có quá khắt khe trong sinh hoạt của cháu ? Sự quản lý chặt chẽ của cha mẹ làm các cháu cảm thấy bức bối nên nảy sinh hành vi nổi loạn ?...

- Không nên nhắc đi nhắc lại lỗi lầm đã qua của các cháu vì điều này khiến các cháu cảm thấy cha mẹ không còn tin vào mình và chưa hề tha thứ cho mình.

- Khi cha mẹ có thể chứng minh sự đồng cảm và chia sẻ với con cái, các cháu sẽ tin tưởng và tâm sự nhiều điều hơn. Hãy cho các cháu hiểu rằng mình luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu những tâm sự của con. Mọi sự rầy la, uốn nắn của cha mẹ đều xuất phát từ lòng yêu thương và mong muốn con trẻ trưởng thành.

Trẻ bị đánh đòn nhiều thường có xu hướng ưa bạo lực khi trưởng thành - Ảnh: dpshots.com.

* Trường hợp của một phụ huynh ngụ tại Quận 8. Con gái học lớp 8, cô chủ nhiệm vừa thông báo bé lấy trộm điện thoại của bạn học, đáng lưu ý đây là lần thứ 2 cháu phạm lỗi này.

Th.s Nguyễn Hữu Long : Trước tiên nên tìm hiểu lý do khiến các cháu phạm lỗi. Có thể do nhu cầu được sử dụng điện thoại như các bạn, cũng có thể cháu muốn có phương tiện để nghe nhạc, lướt web... Sau khi tìm ra nguyên nhân, nếu đó là nhu cầu hợp lý và trong khả năng thì nên đáp ứng. Song song cũng cần khuyên nhủ, giải thích cho cháu những điều đúng đắn, uốn nắn các suy nghĩ sai lệch.

Tạo hành vi song hành

Để ngăn chặn những hành vi "lệch chuẩn", cha mẹ cần trò chuyện và đặt ra các trường hợp tương tự như hành vi của cháu, yêu cầu cháu giải quyết tình huống. Điều này tập cho bé nhận thức đúng sai cũng như biết đánh giá đúng ý nghĩa của việc mình làm. Đây gọi là phương pháp tạo một "hành vi song hành".

Tuy nhiên, với những trường hợp nặng hơn, phụ huynh nên đưa bé đến các trung tâm tâm lý giáo dục, nơi đó có lực lượng chuyên viên được đào tạo chuyên ngành, có phương pháp và chiến lược để can thiệp, điều chỉnh và thay đổi hành vi của bé.

Trẻ em trong tuổi dậy thì, thay đổi tâm sinh lý khiến của các cháu thường gây bất an cho cha mẹ. Tuy nhiên, chính ở giai đoạn này, các bậc cha mẹ rất cần sự khéo léo, thấu hiểu và chia sẻ cùng các cháu. Những thay đổi ấy của trẻ chỉ là sự thay đổi khách quan của giai đoạn chuyển biến từ trẻ em sang người lớn. Hình phạt, đòn roi và những lời chì chiết không có tác dụng răn đe mà đôi khi còn gây tác dụng ngược, tạo nên những vết thương tâm lý sẽ ăn sâu vào quá trình trưởng thành của trẻ. Hãy chứng tỏ rằng cha mẹ luôn yêu thương, luôn tha thứ và làm tất cả vì sự phát triển trọn vẹn của trẻ. 

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long trong một buổi tư vấn  - Ảnh: Tienphong.

Tư vấn: Thạc sĩ Nguyễn Hữu Long (Chuyên viên tâm lý Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương - TPHCM)

Bạn đọc có thể tham gia giao lưu trực tiếp với chuyên gia về các vấn đề nuôi dạy con trong Chương trình Kỹ năng làm cha mẹ (phát sóng trực tiếp từ 20h05 - 21h thứ Sáu hàng tuần trên FM 99,9 Mhz). Đăng ký tham gia qua số điện thoại: 39.10.48.66. Chương trình do VOH phối hợp cùng Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House) thực hiện.