Find My Device là gì?
Find My Device là tính năng được tích hợp trong các thiết bị Android từ bản 4.0 Ice Cream Sandwich trở lên. Nói cách khác là gần như mọi điện thoại, máy tính bảng Android hiện nay đều dùng được.
Tính năng và cách sử dụng Find My Device
Mặc định tính năng này sẽ được kích hoạt để bạn có thể theo dõi thiết bị của mình.
Để có thể dò tìm và khóa máy từ xa, tất cả những gì bạn cần làm chỉ đơn giản là đăng nhập tài khoản Google vào điện thoại Android của mình là xong.
Để biết máy đã kích hoạt Find My Device hay chưa, bạn truy cập vào https://www.google.com/android/find, đăng nhập bằng tài khoản Google với máy Android mà bạn muốn kiểm tra.
Find My Device cũng có app riêng để bạn theo dõi, quản lý tất cả thiết bị của mình, ví dụ bạn có 1 máy tính bảng Android và 1 điện thoại thì bạn nên cài app Find My Device để quản lý nhanh chóng, tiện lợi hơn so với việc dùng link web mói trên.
Bắt điện thoại bạn lên tiếng
Ngay tìm điện thoại mãi mà không ra, bạn hãy vào ngay web google.com/android/find, nhấn chọn thiết bị của mình và chọn Play Sound. Lệnh này sẽ được gửi vào điện thoại của bạn và máy sẽ bắt đầu phát ra âm thanh để bạn dễ dàng tìm kiếm nó hơn.
Nên khóa điện thoại và đăng xuất tài khoản Google
Ngay từ web Google nói trên, bạn có thể nhấn vào nút "Lock", sau đó chọn: Secure Device: khóa máy lại, phải có mật khẩu của bạn mới xài được điện thoại, đồng thời đăng xuất tài khoản Google. Bạn có thể nhập một thông báo hiện lên màn hình để ai nhặt được thì mang trả lại (trong trường hợp gặp người tốt).
Lưu ý, tùy chọn "Erase Device": Nếu đã xác định là không lấy lại được máy thì bạn có thể chọn nút này để xóa hết dữ liệu trên điện thoại nhằm đảm bảo thông tin cá nhân và nhạy cảm không bị lọt ra ngoài. Sau khi bạn đã ra lệnh xóa thì sẽ không định vị được điện thoại của mình nữa.
Nên đi hủy và làm lại SIM
Khi bị mất cắp, kẻ cắp có thể dùng SIM của bạn để reset mật khẩu tài khoản Google cũng như nhiều loại tài khoản khác. Nguy hiểm hơn, chúng có thể dùng số điện thoại của bạn vào nhiều mục đích xấu và có thể khiến bạn cảm thấy bị phiền phức về sau. Vậy nên sau khi bị giật điện thoại, hãy tìm một cái điện thoại khác càng nhanh càng tốt, gọi lên tổng đài để hủy SIM, hoặc tốt nhất là chạy ngay ra đại lý nhà mạng gần nhất để yêu cầu hủy và làm lại SIM mới.
Nhớ cẩn thận đừng để bị lừa
Cũng giống như iPhone có lừa mở khóa iCloud thì bên Android cũng có tình trạng tương tự tuy ít xảy ra hơn (do kẻ cắp có thể dễ dàng flash lại ROM để bán máy mà không gặp nhiều khó khăn trừ một số dòng điện thoại đặc biệt).
Nếu sau khi mất điện thoại mà bạn nhận được những tin nhắn lạ và việc "đã tìm thấy máy" thì hãy cẩn thận nhé. Nhớ check kĩ rằng link này có đúng là link Google hay không vì kẻ cắp có thể dụ bạn vào một web y chang Google nhưng thực chất là để đánh cắp mật khẩu tài khoản của bạn đấy!