Cảm phục những tấm gương hiếu học

(VOH) - Xã hội hiện đại là xã hội học tập bởi chỉ cần dừng lại là nguy cơ tụt hậu đã kề bên. Nhân ngày Khuyến học Việt Nam (2/10), cùng nhìn những tấm gương hiếu học mà câu chuyện của họ, chỉ có thể đúc kết bằng hai từ "Cảm phục !"

Hai cha con ông Mạc Văn Mỹ trong ngôi nhà trọ ở quận 4, thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Internet

Học để giúp con biến điều không tưởng thành hiện thực.

Với không ít gia đình, con bị hội chứng Down là "ý trời" nhưng có một người đã sắp đặt lại cái gọi là định kiến đó. Đó là ông Mạc Văn Mỹ. 26 năm trước, đứa con trai duy nhất của ông chào đời trong niềm vui không trọn vẹn. Cậu bé Mạc Đăng Mừng mắc hội chứng Down. 18 tháng, bế trên tay đầu cậu còn chưa vững, 7 tuổi cậu mới biết đi, 9 tuổi mới bi bô những từ đầu tiên. Mẹ của Mừng phải bỏ dở công việc ở một ngân hàng ở nhà chăm con. Cha cậu gom góp số tiền tích lũy mua một cây đàn xịn để con nhận biết những cảm giác đầu tiên nơi đầu các ngón tay, kích thích não phục hồi như lời chỉ dẫn của một bác sĩ điều trị.

Cảm phục hơn, ông trở thành “đồng môn” với con trong mọi lớp học. Bắt đầu cho con học chữ, ông cậy nhờ nhiều thầy cô kèm cặp nhưng không một ai đồng ý khi vừa nhìn thấy Mừng. Không nản lòng, ông trở thành gia sư cho con từ năm lớp 3 đến lớp 8…Rồi ông nghĩ con cần một cái nghề. Ông lại lọ mọ đi học lớp vi tính cơ bản cho người lớn tuổi để khơi gợi cho con trai niềm yêu thích máy tính. Cùng lúc đó, trường Đại học Văn Lang mở lớp đào tạo thiết kế đồ họa. Vậy là ông luyện cho Mừng đi thi và em thi đậu. Cả ngày ông cùng con trai học ở trường, tối về, Mừng thực hành trên máy tính ở nhà. Đợi đến khi con đi ngủ, ông mới cặm cụi học  tới 2 - 3 giờ sáng để rồi sau đó giảng lại cho con. Giờ thì em đã hoàn thành khóa học. Cảm phục sự vươn lên ngoạn mục của Mừng, đến nay, ít nhất hai công ty đã cấp học bổng học chuyên sâu Anh văn và vi tính cho em cùng với một công ty tổ chức đám cưới hứa nhận em vào làm việc sau khi học xong. Niềm vui thấy con bắt đầu có thể tự lo cho mình cứ rơm rớm trong đôi mắt đầy nghị lực của người cha Mạc Đăng Mỹ khi kể lại câu chuyện này.

Chia sẻ của ông Mạc Văn Mỹ với VOH :

Học để thực hiện hoài bão cuộc đời

Hơn 1 triệu thí sinh tham dự kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) 2015, có một thí sinh lớn tuổi. Đó là thí sinh 70 tuổi tên Hồ Ngọc Cảnh ở xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ông Cảnh đỗ tú tài I (lớp 11) vào năm 1968 nhưng do chiến tranh và hoàn cảnh gia đình nên việc học bị bỏ dở. Sau này, ông tham gia vào Chi hội đông y xã, chữa bệnh cho nhiều người. Mong muốn của ông đằng đẵng suốt bao năm là mở cơ sở khám chữa bệnh đông y. Nhưng theo quy định phải có bằng trung cấp chuyên môn. Nói là làm, ông đăng ký học lớp 12 ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Giồng Trôm. Hai lần thi tốt nghiệp THPT liên tiếp ông đều rớt. Nhưng không nản lòng, ông lại ôn luyện thi tiếp năm thứ 3. Kết quả không phụ lòng người khi ông vừa đủ điểm đậu. Với ông, đó chỉ là bước khởi đầu. Ông quyết tâm luyện thi để học trung cấp đông y đa khoa cho ước mơ mở được phòng khám chữa bệnh.

Lấy bằng cử nhân luật ở tuổi lục tuần

Đến chợ Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) hỏi chuyện cô Hoa bán chuối có bằng cử nhân luật ai cũng biết. Câu chuyện hiếu học của cô đã lan rất xa khỏi khu chợ miền quê này. Tên cô là Phan Thị Kim Hoa vừa nhận bằng cử nhân Luật do Đại học Cần Thơ cấp vào cuối tháng 5/2015. Ước mơ trở thành luật sư đã nảy nở trong lòng cô nữ sinh trường Áo Tím từ hồi học cấp 2 nhưng hết năm lớp 9 cô phải theo gia đình về Tiền Giang sinh sống. Chuyện học hành của cô gái ham học không đành đoạn dừng lại. Nhưng những mưu sinh làm cho hành trình bám đuổi con chữ vất vả và dài dăng dẳng. Giấc mơ luật sư tưởng bị nhấn chìm bởi cơm áo gạo tiền thì vào năm 2007, biến cố người em bị hạ sát đã trở thành động lực lớn trong cô. Cho rằng em trai chết uất ức, kẻ sát nhân chưa bị xử lý thích đáng, cô Hoa một mặt gửi đơn khiếu nại, mặt khác tìm cách học luật. Một ngày của cô bắt đầu với buổi chạy chợ sớm, bán trứng vịt do nhà nuôi và bán chuối. Đến chiều về nhà cùng chồng chăm sóc đàn vịt hơn 300 con. Ở chợ, cô còn nhặt nhạnh bán ve chai hay kiêm thêm nghề….cắt tóc, để nuôi mình học và bốn người con đều đang tuổi ăn học. Những ngày đến lớp, cô dọn hàng ra chợ sớm hơn rồi nhờ bạn ngồi kế bên bán dùm. Đến trưa, con gái cô học gần đó ra dọn hàng về. Dù rất tự hào với tấm bằng cử nhân luật trên tay, nhưng đôi mắt rạn vết chân chim của cô vẫn lo về khoản nợ mấy chục triệu sau mấy năm học Đại học. Vậy mà cô cho biết mình chưa bỏ cuộc. Cô sẽ phấn đấu đi học thêm 6 tháng nữa để lấy cho được bằng luật sư. Nay thì góc chợ nơi cô ngồi, trở thành điểm tư vấn pháp luật, hướng dẫn và viết đơn thư miễn phí cho bà con. Cô vẫn đau đáu, trăn trở về vùng quê nghèo mà người dân chưa hiểu biết thấu đáo về luật pháp.

Cô Phan Thị Kim Hoa  tại Đài Tiếng Nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. 

Cô Phan Thị Kim Hoa trò chuyện với VOH: