Chờ...

Cần quản lý chất thải điện tử một cách phù hợp hơn

(VOH) - Đó là nhận định của chuyên gia tại hội thảo “Xu hướng công nghệ xử lý rác thải điện tử” diễn ra sáng 15/10.

Hội thảo do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TPHCM (Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) phối hợp chuyên gia từ các Viện, trường và doanh nghiệp công nghệ tổ chức, các chuyên gia đã chia sẻ về các xu hướng công nghệ xử lý, tái chế rác thải điện tử trên thế giới.

Nhiều giải pháp công nghệ hiện có tại Việt Nam cũng được chia sẻ và sẵn sàng hợp tác, chuyển giao để phục vụ quá trình xử lý, tái chế các loại rác thải này.

'Chất thải điện tử chưa được quản lý một cách phù hợp tại Việt Nam 1
Bà Bùi Thanh Bằng - Giám đốc CESTI phát biểu đề dẫn hội thảo. 

Chia sẻ về thực trạng quản lý chất thải điện tử tại Việt Nam hiện nay, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Quảng – Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định: “Nhìn chung chất thải điện tử cho đến nay không được quản lý một cách phù hợp ở Việt Nam. Khối tư nhân, đặc biệt là khối tư nhân phi chính thức đang kiểm soát dòng chất thải này. Các chất thải điện tử cũng được thu gom và tháo dỡ không theo quy cách, chỉ có một số vật liệu cơ bản là được thu hồi. Phần còn lại không được thu hồi, sẽ đi vào trong môi trường dẫn đến ô nhiễm môi trường, đồng thời tác động đến sức khỏe cộng đồng”

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đức Quảng, cần gia tăng năng lực tái chế và thu gom từ cộng đồng. Giải pháp là quản lý chất thải điện tử theo định hướng kinh tế tuần hoàn. Giải pháp được giới thiệu cụ thể là quy trình công nghệ tách và thu hồi kim loại từ bảng mạch điện tử.

Theo bà Bùi Thanh Bằng – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TPHCM, trên thế giới từ những năm đầu thế kỷ 20, đã có các sáng chế đầu tiên liên quan đến xử lý rác thải điện tử.

Trong nước, các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng đã có các công trình nghiên cứu, xử lý rác thải điện tử. Nhiều kết quả nghiên cứu về công nghệ xử lý rác thải điện tử cũng đã được các nhà nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng thành công vào thực tiễn, mang lại giá trị kinh tế cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và góp phần bảo vệ môi trường : “Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TPHCM mong sự kiện hôm nay sẽ tiếp tục là cầu nối để các nhà nghiên cứu, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có thêm cơ hội hợp tác, triển khai các giải pháp công nghệ vào sản xuất.

Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều sáng chế, nhiều công nghệ trong lĩnh vực xử lý rác thải điện tử được nghiên cứu và áp dụng tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng”

Cũng tại hội thảo, Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Văn Lữ – Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM chia sẻ giải pháp Lò đốt bản mạch và tái chế kim loại trong xử lý rác thải điện tử. Giải pháp công nghệ này là thành quả từ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ - thực hiện tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, cho phép tái chế rác thải điện tử bằng phương pháp đốt có hiệu quả cao, cho phép tận thu nhanh và nhiều kim loại quý.