Chờ...

Châu Âu sắp ban hành đạo luật quản lý trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới

VOH - Đây là lần đầu tiên trên thế giới, các quy tắc liên quan đến kiểm soát trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giám sát pháp lý đối với công nghệ đang ngày càng phổ biến này.

Rạng sáng 9/12 (theo giờ Việt Nam), sau 36 giờ đàm phán, các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất được những điều khoản chính trong dự luật quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) của khối này.

Đây là bước tiến quan trọng trong việc ban hành bộ quy tắc đầy đủ đầu tiên trên thế giới liên quan đến việc phát triển và kiểm soát các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tương tự như ChatGPT.

Ủy viên EU phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton cho biết đạo luật mới sẽ áp dụng hướng tiếp cận hai cấp độ. Mô hình AI nào có mức độ rủi ro càng cao sẽ đối mặt quy định quản lý càng nghiêm ngặt.

Châu Âu sắp ban hành đạo luật quản lý trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới 1
Ảnh minh họa: The Verge

Những mô hình AI đa dụng như ChatGPT hoặc các ứng dụng AI tạo sinh hình ảnh, âm thanh... cần đáp ứng những yêu cầu về tính minh bạch. 

Với việc sử dụng một số mô hình AI mạnh mẽ, có thể mang lại tác động mang tính hệ thống sẽ bị cấm hoàn toàn. Điều này bao gồm việc cấm sử dụng AI đối với công nghệ nhận diện khuôn mặt hoặc các hình thức nhận diện sinh trắc học khác, ngoại trừ một số trường hợp phục vụ công tác hành pháp được nêu rõ trong luật.

Đạo luật này cũng không cho phép sử dụng trí tuệ nhân tạo để lợi dụng đối với những nhóm người dễ bị tổn thương như trẻ em, người lớn tuổi, người khuyết tật hoặc người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Theo quy định, đạo luật AI của châu Âu vẫn cần phải được các quốc gia thành viên cùng chấp thuận thông qua để có ban hành, dự kiến sớm nhất cũng phải tới năm 2025 mới bắt đầu có hiệu lực.

"Châu Âu trở thành lục địa đầu tiên đặt ra các quy tắc rõ ràng cho việc sử dụng AI" - Ủy viên châu Âu Thierry Breton cho biết. Hiện nay, Mỹ, Anh, Trung Quốc và các liên minh toàn cầu như G7 đã đưa ra các đề xuất để quản lý AI, mặc dù vẫn chưa cụ thể được thành một đạo luật như của châu Âu.

Theo trang mạng The Verge, đạo luật này được EU kỳ vọng có thể xem là "nền tảng" để các quốc gia/khu vực khác trên thế giới xem xét thông qua những quy định tương tự. 

"Đạo luật AI" đã được EU gấp rút xây dựng sau khi chatbot ChatGPT bùng nổ vào cuối năm 2022. Mặc dù khả năng tạo ra các bài tiểu luận và bài thơ của ChatGPT là màn trình diễn ấn tượng, nhưng giới chuyên môn tỏ ra lo lắng về cách công nghệ này có thể bị lạm dụng.
Cùng với đó, các phần mềm AI phái sinh, bao gồm chatbot Bard của Google, đã có thể nhanh chóng tạo ra văn bản, hình ảnh và âm thanh từ các lệnh đơn giản bằng ngôn ngữ hằng ngày.