Chỉ đào tạo cái mình có – Chưa quan tâm cái xã hội cần

(VOH) - Theo các chuyên gia, nguồn nhân lực ở Việt Nam rất dồi dào nhưng lại thiếu trầm trọng về chất lượng.

Trong quá trình đào tạo tại các trường nghề, người lao động chưa thật sự được truyền kiến thức và kỹ năng để trở thành lao động lành nghề.

Công tác đào tạo nghề tại TPHCM cần một cú hích thực sự. Ảnh: NLĐ

Thừa lý thuyết thiếu thực hành

Không phải đến sát thời điểm Cộng đồng Kinh tế ASEAN ra đời và mới đây là sự kiện VN tham gia Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), câu chuyện về chất lượng nhân công mới được đem ra mổ xẻ. Hiện nay, nhiều học viên chưa “mặn” với học nghề là do họ cần việc làm ngay để mưu sinh trong khi chương trình đào tạo mất thời gian lại không đáp ứng thực tế. Đa số tham gia học nghề để có chứng chỉ. Lê Trí An – Trường Cao đẳng nghề Quận 2, học nghề sửa chữa ô tô giải thích, học để biết kiến thức rồi ra ngoài làm, học thêm. Ở đây, thiết bị thực hành chỉ là mô hình.

Ông Nguyễn Tịnh Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH Định Hưng Phú than phiền: “Bây giờ họ chỉ đào tạo lý thuyết chứ chưa quan tâm đến thực hành. Phần lớn học viên công ty tuyển dụng phải đào tạo lại. Điều này đã làm mất nhiều thời gian và gia tăng chi phí của công ty”. Đây cũng là lý do nhiều doanh nghiệp không mặn mà với sinh viên trường nghề.

Theo ông Nguyễn Tri Quang – Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên thì độ vênh giữa bằng cấp và năng lực còn khá xa. Do đó, mục tiêu phát triển đào tạo nghề phải thực hiện trên 3 mặt: quy mô, chất lượng, hiệu quả. Các trường dạy nghề phải bám sát vào yêu cầu của doanh nghiệp, chấm dứt kiểu dạy những gì mình có, bất chấp nhu cầu của xã hội. "Học viên từ trung tâm dạy nghề phải thực hành được trên máy móc để đến các doanh nghiệp làm ngay. Đây là nỗ lực rất lớn của các trung tâm dạy nghề và sự đầu tư của nhà nước”. Ông Quang khẳng định.

Bà Tô Thị Bích Châu - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP phân tích : “Hiện nay do chất lượng đào tạo của từng trường nghề vẫn chưa nâng cao các điều kiện. Thứ hai là sự chuộng bằng cấp, thứ ba là doanh nghiệp khi tuyển dụng phải đào tạo lại. Những việc đó đan xen làm cho chất lượng các trường và người dân chưa có lòng tin".

Ảnh: NLĐ

Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp

Nói về giải pháp, bà Thi Thị Tuyết Nhung - Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP cho rằng, cần tạo liên kết sâu rộng giữa doanh nghiệp và nhà trường, cơ sở dạy nghề; có chiến lược đào tạo lao động phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời, tạo điều kiện cho học viên tiếp xúc, làm quen với công việc trong khi học như vậy mới có việc làm sau khi tốt nghiệp. "Thứ nhất phải trang thiết bị máy móc đào tạo nghề. Thứ hai là trình độ, tay nghề của đội ngũ giáo viên phải được nâng lên, tiếp cận với công nghệ cao”, bà Nhung đề nghị.

Doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng lao động nên phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các trung tâm đào tạo nghề để tạo mối liên kết cung - cầu trên thị trường lao động. Như vậy, học viên vừa học lý thuyết vừa thực hành, còn giáo viên cũng được tiếp cận với những máy móc, thiết bị hiện đại. Đặc biệt, qua phản hồi của các doanh nghiệp, nhà trường sẽ biết được học viên còn thiếu sót những gì để thay đổi chương trình đào tạo cho phù hợp.

Hội nhập sân chơi lớn, nhân lực nghề đứng trước nhiều thử thách, đòi hỏi sự cộng hưởng mạnh mẽ của doanh nghiệp – trung tâm đào tạo nghề - cơ quan quản lý.