Trường nghề loay hoay tự cứu mình

(VOH) - Với những đổi mới khá là triệt để trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay, đã có những diễn biến gây bất ngờ cho xã hội.

Cuối năm 2015, Việt Nam sẽ chính thức bước vào “sân chơi chung” Cộng đồng kinh tế ASEAN và mới đây là sự kiện VN tham gia Hiệp định đối tác thương mại tự do xuyên thái bình dương (TPP) người lao động sẽ được phép tự do luân chuyển giữa các nước thành viên và lao động có tay nghề cao là đòi hỏi thiết thực, điều này đặt ra cho lực lượng lao động những cơ hội và thách thức khốc liệt.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế, đến năm 2025, nhu cầu đối với lao động có trình độ kỹ năng ở mức trung bình sẽ tăng 28%, lao động có trình độ kỹ năng thấp là 23% và lao động có kỹ năng cao sẽ tăng 13%. Vậy, ai sẽ đảm nhận trách nhiệm đào tạo ra nguồn nhân lực này?

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TP HCM) Ảnh: NLĐ

 Trường nghề 'thoi thóp'

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 được Bộ GD-ĐT cho là sẽ tạo cơ hội lớn cho thí sinh chọn trường và ngành nghề phù hợp cũng như các trường đại học, cao đẳng dồi dào nguồn tuyển. Tuy nhiên, trái ngược với dự đoán, cho đến nay, nhiều trường lại không tuyển đủ thí sinh so với yêu cầu đề ra. Thậm chí có trường mới tuyển được 10% so với chỉ tiêu.  Không ít trường ĐH đang đứng trước nguy cơ giải tán. Nhưng số phận các trường nghề xem ra còn bi đát hơn...

Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường ĐH-CĐ vẫn còn tiếp tục “vét” thí sinh cho đủ những chỉ tiêu cuối cùng, thậm chí có dựa vào kết quả học bạ THPT để xét vào đại học. Tình hình này khiến các trường nghề càng thêm nóng ruột, hồi hộp mong đợi thí sinh chuyển hướng học nghề. Những tưởng năm nay, “thị phần” của các trường trung cấp rộng mở khi nguồn thí sinh có điểm thi THPT quốc gia dưới điểm sàn cao đẳng là 12 điểm khá dồi dào, thế nhưng các em vẫn không chịu “lọt sàn xuống… trung cấp”.

Tại trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Hùng Vương, bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: "Nhà trường nghĩ đến việc làm sao các em vừa tốt nghiệp trung cấp nghề thì các em sẽ có bằng THPT. Đó là sáng kiến của nhà trường, đã kết hợp với một trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy học văn hóa cho các em trong 3 năm. Chính nhờ điều đó mà đến nay chúng tôi đã tuyển được khoảng 400 em. Chỉ tiêu của trường là 700, nhưng hình như chưa năm nào chúng tôi tuyển được 100% hết, năm nay dự đoán lại càng khó khăn hơn”.

Nhiều trường trung cấp khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự, Ths Lê Lâm, Hiệu trưởng trường Trung cấp Đại Việt bày tỏ, chưa bao giờ có mùa tuyển sinh buồn như năm nay khi trường có hơn 1.600 chỉ tiêu, nhưng chỉ mới tuyển được chưa tới 300, bằng 30% năm ngoái.

Tương tự, trường Trung cấp Kỹ thuật Tổng hợp Đông Nam Á mới nhận được vài chục hồ sơ so với chỉ tiêu 600. Trường Trung cấp Tây Sài Gòn tuyển được hơn 200 trên tổng số 800 chỉ tiêu. Trường Trung cấp Đông Dương tuyển gần 300 em trong khi chỉ tiêu là 1.000. 

Lâu nay, nguồn tuyển của các trường chính là những thí sinh không đủ điểm vào cao đẳng, lượng học sinh sau THCS. Thế nhưng, theo Ths Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường Kinh tế Kỹ Thuật Nguyễn Hữu Cảnh, công tác tuyển sinh của trường nhiều năm qua luôn gặp khó khăn, không đạt được chỉ tiêu được giao mà theo ông, có 3 nguyên nhân chính có thể lý giải: "Thứ nhất, tâm lý phụ huynh chuộng học cao đẳng, đại học hơn là trung cấp. Trước đây có chủ trương của Bộ là trung cấp chuyên nghiệp, sau 3 năm mới được liên thông lên CĐ-ĐH cũng ảnh hưởng tâm lý. Thứ hai là hiện nay chỉ tiêu đào tạo CĐ-ĐH chiếm đến 2/3 số học sinh tốt nghiệp THPT. Thứ ba là hiện nay công tác phân luồng chưa có biện pháp cụ thể".

Không riêng gì các trường trung cấp, các trường cao đẳng, nhất là cao đẳng nghề cũng chung tình trạng ế ẩm. Do số lượng thí sinh đầu vào càng ngày càng teo tóp, nên trường CĐ Nghề Sài Gòn (Saigon tech) đã phải chấm dứt tuyển sinh các chương trình cao đẳng nghề từ hai năm nay, hiện chỉ đào tạo cho sinh viên các khoá 2013 trở về trước.

Bà Nguyễn Thị Anh Thư, hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Sài Gòn bày tỏ, dù chương trình nghề đào tạo có đầu ra rất tốt, nhưng tâm lý người học vẫn không thích chữ “nghề” gắn sau tấm bằng của mình. Nếu tình trạng khan hiếm nguồn tuyển vẫn cứ tiếp diễn, nhà trường chưa biết tương lai sắp tới của trường sẽ ra sao. Bà Thư nói: "Để giúp chúng tôi trong việc tuyển sinh, về mặt hình thức phải bỏ được chữ “nghề” ra khỏi chương trình này. Vấn đề thứ hai, nếu như chúng ta vẫn giữ chương trình đào tạo nghề như hiện nay, nói đúng hơn là khá cồng kềnh kiến thức trong khi yếu tố nghề lại ít, tôi nghĩ là khó thu hút được sinh viên. Đấy là chưa kể yếu tố từ nhà tuyển dụng”.

Còn theo ông Phạm Đức Khiêm, Hiệu trường trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TPHCM, với những khó khăn trước mắt, các trường nghề cần phải tự cứu mình bằng nhiều biện pháp: “Hàng năm, nhà trường đều đến các quận huyện, nhất là các phòng giáo dục, đề nghị các trường THCS có học sinh chuẩn bị tốt nghiệp về dự ngày hội hướng nghiệp của trường. Trong ngày hội, có hoạt động của các khoa, các ngành để giới thiệu cho các em biết ngành nghề của trường, cơ hội việc làm sau khi ra trường và cơ hội khác đúng ngành nghề mình đã học”.

Dự báo nhiều cơ hội cho các bạn trẻ theo học nghề

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP, trong giai đoạn 2015 -2020 đến năm 2025, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM dự báo mỗi năm có khoảng từ 260.000-270.000 chỗ làm việc. Nhu cầu tuyển dụng có xu hướng tập trung vào nguồn lao động có trình độ, tay nghề, cụ thể nhân lực qua đào tạo chiếm 85%, nhu cầu nhân lực có trình độ trung cấp chiếm tỷ lệ cao nhất 35%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật chiếm 20%. Như vậy, có rất nhiều cơ hội việc làm cho các bạn trẻ theo học nghề.

 "Xu hướngThị trường lao động sắp tới là một thị trường lao động đa dạng ngành nghề, yêu cầu có kỹ năng nghề. Sự cạnh tranh về nhân lực giữa những người học nghề với nhau trở thành một yếu tố quyết định để tham gia thị trường lao động. Ai giỏi về lý thuyết, đồng thời am hiểu về kỹ năng nghề, có đầy đủ yếu tố mà doanh nghiệp yêu cầu thì người đó sẽ tham gia vào thị trường lao động một cách tích cực và thành đạt trong xã hội", ông Tuấn thông tin.

Phân tích dựa trên tình hình số liệu thí sinh năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay, chỉ tiêu ĐH-CĐ cũng ở mức giới hạn chứ không tuyển hết thí sinh của các khối trường nghề. Bởi vì chỉ tiêu ĐH-CĐ khoảng 500.000 trong khi lượng thí sinh dự thi THPT Quốc gia năm nay khoảng 1 triệu em. Như vậy, vẫn còn lượng lớn thí sinh không đậu đại học sẽ đi học nghề. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, hiện nay có một thí sinh có tâm lý không muốn học trung cấp chuyên nghiệp hay trung cấp nghề mà quyết định luyện thi lại năm sau, chiếm một tỷ lệ đáng kể.

 “Về lâu dài, phải nâng cao số lượng người lao động được qua đào tạo ở các trường Trung cấp chuyên nghiệp hoặc các trường nghề. Đó là một trong những chủ trương mới khi mà Luật giáo dục nghề nghiệp ra đời. Chúng ta chỉ có hệ trung cấp, cao đẳng, các hệ này sẽ có hướng phát triển theo hướng tiếp cận năng lực người học, sao cho họ có một nghề nghiệp phù hợp, phát huy năng lực tích lũy ở nhà trường để làm việc lâu dài. Nhưng hiện nay, lực lượng lao động chưa qua đào tạo còn khá đông, đó cũng chính là trách nhiệm của các trường nghề. Thời gian tới, chúng ta cần phải thu hút được lực lượng này”, ông Ga cho biết.

Qua những gì vừa đề cập, có thể thấy trước những khó khăn trong tuyển sinh đầu vào, các trường đã tự cứu mình bằng nhiều giải pháp khác nhau, tuy nhiên, chủ yếu là mạnh ai nấy làm chứ chưa mang tính hệ thống và chưa thật sự tạo niềm tin cho xã hội.

Bình luận