Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Công bố và trao Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2020

(VOH) - Ngày 23/12, Bộ Thông tin và truyền thông đã tổ chức Lễ Công bố và trao Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2020.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự đã gửi lời chúc mừng tới các doanh nghiệp đạt giải trong cuộc thi, chúc mừng Bộ Thông tin Truyền thông đã tổ chức diễn đàn, chính thức định danh cộng đồng doanh nghiệp số.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – Nguyễn Mạnh Hùng, Make in Viet Nam là một khẩu hiệu hành động; thúc giục tinh thần thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam. Là thay vì làm gia công, lắp ráp thì hãy làm sản phẩm. Make in Viet Nam trong năm qua, đã thúc đẩy các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng làm chủ tới 90% hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Sứ mệnh cường quốc về an toàn, anh ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của việt Nam trên không gian mạng cũng là một trọng tâm của Make in Viet Nam.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông trao giải thưởng cho doanh nghiệp công nghệ thông tin

Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2020 là hoạt động cụ thể triển khai Chỉ thị số 01 ngày 14/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Đây là giải thưởng quốc gia, lần đầu tiên được tổ chức, nhằm tôn vinh các sản phẩm công nghệ số do nhân lực Việt Nam thiết kế, sáng tạo ở trong nước, phù hợp với thực tế Việt Nam, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số quốc gia. Điều này nhằm góp phần thực hiện sứ mệnh đưa nền kinh tế nước ta bứt phá, phát triển nhanh, bền vững.

Giải thưởng gồm 5 hạng mục: sản phẩm số xuất sắc; giải pháp số xuất sắc; nền tảng số xuất sắc; thu hẹp khoảng cách số, và Sản phẩm số tiềm nằng. 50 sản phẩm vào Top 10 ở mỗi hạng mục đều là những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.

Theo đó, giải thưởng nền tảng số xuất sắc gồm: Giải Nhất thuộc về Base.vn - nền tảng quản trị và điều hành doanh nghiệp số; giải Nhì thuộc về Be - ứng dụng gọi xe công nghệ; giải Ba thuộc về FPT.AI - nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện.

Sản phẩm số xuất sắc: giải Nhất thuộc về Akabot 2 - giải pháp tự động hoá cho từng quy trình của doanh nghiệp; giải Nhì thuộc về Viettel Pay - nền tảng thanh toán không dùng tiền mặt; giải Ba thuộc về VNPT eKYC - nền tảng xác thực danh tính người dùng bằng công nghệ hiện đại.

Giải pháp số xuất sắc: giải Nhất thuộc về OneATS - giải pháp số của Công ty One ATS; giải Nhì thuộc về AI trợ lý bác sĩ DrAid - nâng cao khả năng chẩn đoán hình ảnh chính xác trong X-quang; giải Ba thuộc về Viettel OCR - giải pháp nhận diện ký tự tiếng Việt, chuyển từ ảnh sang text.

Hạng mục tiềm năng công nghệ số: giải Nhất thuộc về AI Smart Warning - nhận diện và đưa ra cảnh báo qua camera AI giám sát; giải Nhì thuộc về Mô phỏng 3D cơ thể người - "Ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng cơ thể người phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu trong khối ngành khoa học sức khỏe" của trường Đại học Duy Tân.

Giải thu hẹp khoảng cách số: giải Nhất thuộc về VNPT Edu - hệ sinh thái giáo dục thông minh; giải Nhì thuộc về Vỏ sò - sàn thương mại điện tử của Viettel Post cùng  2 sản phẩm khác của Viettel Post bao gồm: Viettel Sale lọt Top 10 sản phẩm số tiềm năng và App ViettelPost lọt vào Top 10 sản phẩm số xuất sắc. Giải Ba thuộc về Hocmai.vn - dịch vụ giáo dục trực tuyến cho học sinh phổ thông từ lớp một đến lớp 12.

Chia sẻ về nền tảng Vỏ Sò, đại diện doanh nghiệp này cho biết, hiện tại Vỏ sò đang đồng hành triển khai có hiệu quả Chương trình Quốc gia Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), triển khai xúc tiến thương mại các sản phẩm Chương trình OCOP trên mạng lưới kênh phân phối sàn thương mại điện tử tại địa chỉ: voso.vn, hỗ trợ và trang bị cho bà con nông dân, các hợp tác xã có kiến thức về kinh doanh thương mại điện tử 4.0. Hiện sàn Vỏ Sò có hơn 60.000 nhà cung cấp, trong đó 70% là nhà cung cấp các đặc sản, sản vật. Vỏ Sò đã tiếp cận và hỗ trợ gần 1.000 nhà cung cấp tại tất cả tỉnh thành, bao gồm miền núi, vùng sâu, vùng xa trong việc cải thiện kiến thức và kỹ năng bán hàng.

Từ ngày 10/8 đến hết ngày 20/10, Ban tổ chức giải thưởng đã nhận được gần 250 hồ sơ đăng ký trực tuyến dự thi ở các hạng mục (trên trang makeinvietnam.mic.gov.vn). Bên cạnh đó, giải thưởng cũng thu hút sự tham gia của các trường đại học, viện nghiên cứu với nhiều ý tưởng độc đáo, sáng tạo, hữu ích. Các sản phẩm công nghệ số đa dạng ở nhiều lĩnh vực mà nhà nước đang ưu tiên, khuyến khích như y tế, giáo dục.

Sau khi phân loại, đã có 173 hồ sơ đủ điều kiện vào vòng chung khảo và Hội đồng giám khảo đã chọn được 10 sản phẩm đoạt giải Nhất, Nhì, Ba ở cả 5 hạng mục giải thưởng (tổng 50 sản phẩm).

Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, đây là 50 sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu công nghệ thông tin do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ. Các sản phẩm này gồm phần mềm, phần cứng, các giải pháp công nghệ, nền tảng được thiết kế trên nhiều công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, nhận dạng ký tự, thực tế tăng cường, thực tế ảo...

Các sản phẩm này phản ảnh sự tích cực của doanh nghiệp công nghệ số tham gia giải quyết các bài toán của Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, một số sản phẩm đã vươn ra thị trường thế giới.

Bình luận