Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Báo chí Việt Nam – Hội nhập công nghệ số: Những vấn đề đặt ra

(VOH) - Báo chí cách mạng có trọng trách góp phần xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; góp phần xây dựng Đảng ta giữ vững vai trò tiên phong...

Là bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc.

Qua 95 năm hình thành và phát triển, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những cột mốc quan trọng, đạt nhiều thành tựu to lớn, đóng góp vào quá trình không ngừng đi lên của đất nước. Tuy vậy, bước vào thời đại công nghệ số của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang đặt ra những vấn đề cho báo chí hiện nay phải có sự đổi mới để hội nhập và phát triển.

Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ”

Diễn đàn “Báo chí và Công nghệ” do Bộ TT-TT tổ chức năm 2019 với mục đích để các nhà quản lý, các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp công nghệ thông tin chia sẻ, trao đổi thảo luận đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ phát triển ngành báo chí, truyền thông. Ảnh: SGGP

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ cao, sự xuất hiện của nhiều phương tiện truyền thông hiện đại và sự đa dạng, bùng nổ về thông tin tác động sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội. Do đó, đòi hỏi báo chí cần đổi mới và nâng cao chất lượng, thích ứng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông.

Thực tế gần đây cho thấy các loại hình báo chí truyền thống đang gặp nhiều thách thức và buộc có nhiều thay đổi. Hiện đang có nhiều mô hình chuyển hướng từ tòa soạn sang tòa soạn của hội tụ, tòa soạn đa phương tiện để sản xuất các sản phẩm báo chí trên đa nền tảng, tức là phát triển một nội dung dưới nhiều hình thức khác nhau. Theo quan điểm của Nhà báo Lương Minh Đức - Phó Giám đốc Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, muốn làm gì làm thì điều quan trọng nhất của báo chí vẫn là nội dung. Chỉ có nội dung, nội dung chính xác, nội dung đáp ứng được nhu cầu dư luận, nhu cầu người dân, nội dung phản ánh được các xu hướng của xã hội, gắn với thiết yếu của xã hội, của đất nước thì mới giữ được khán giả: "Chúng tôi xây dựng hệ thống đa nền tảng, trong đó có đội ngũ sản xuất giỏi có thể sản xuất được rất nhiều hình thức truyền tải thông tin, truyền hình có, online có, trên các nền tảng xã hội khác. Đó là về mặt công nghệ và kỹ thuật để tồn tại được và để có thể giữ được chân khán giả về hình thức đưa tin rất kỹ. Quan điểm về đưa tin dân sinh hiện nay là xu hướng mà các tờ báo hay nói đến".

Ông Tô Đình Tuân –Tổng Biên tập Báo Người Lao động cho rằng: Thách thức đặt ra đối với báo chí hiện nay là rất lớn. Đó không chỉ là sức ép cạnh tranh bên trong, của thị trường báo chí, của các báo với nhau, mà đặc biệt còn là sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội, của các kênh xuyên biên giới. Chính vì vậy, lãnh đạo các cơ quan báo chí tìm ra một giải pháp để tồn tại và phát triển trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết. Nếu các báo trong nước có một định hướng rõ ràng, và dưới sự hỗ trợ chính sách hợp lý của nhà nước thì chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn này: "Tôi nghĩ rằng, nếu như chúng ta có sự phối hợp chặt chẽ với nhau thì có thể đẩy lùi được tin giả trong tương lai. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải ứng dụng công nghệ cao, đưa các ứng dụng AI - trí tuệ nhân tạo áp dụng trong báo điện tử của các cơ quan chính thống để thông tin chính thống và lan tỏa. Bên cạnh đó cũng cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng một cách mạnh mẽ. Các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để góp phần đánh bạt các thông tin không đúng sự thật, các tin giả. Nếu như các cơ quan chức năng luôn luôn đóng cửa hoặc quá thận trọng với cơ quan báo chí thì tạo khoảng trống để các tin giả lan tràn và chúng dẫn dắt dư luận thì điều đó không tốt".

Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, báo chí cũng luôn là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng ta trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa. Để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ này, thì các cơ quan báo chí đều luôn mong muốn thông tin chuyển tải đến cho người dân là phải “nhanh, đúng, trúng, hay”. Rõ ràng, sự phát triển mạnh mẽ của internet và mạng xã hội đã và đang đem lại rất nhiều tiện ích nhưng cũng đòi hỏi từng nhà báo, từng cơ quan báo chí phải nỗ lực rất nhiều để tận dụng công cụ này. Báo chí thời công nghệ số đã hoàn toàn phá vỡ các ngăn cách về địa lý, về ngôn ngữ, giới tính, quốc gia.

Nhà báo Dương Hồng Lâm – Phó Vụ trưởng - Phó trưởng Cơ quan thường trực Báo Nhân dân tại TPHCM cho rằng, báo chí cần phải chủ động và tích cực sử dụng mạng xã hội nhưng phải biết sử dụng để hạn chế tối đa những rủi ro do mạng xã hội mang lại: "Với thực tiễn như vậy và với tình hình thực tế thời công nghệ số hiện nay, hoạt động của báo chí phải đặt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiều chuyên gia nhiều quản lý cho rằng, báo chí bây giờ phải đổi mới cách thức, phương thức làm báo. Về mặt thông tin thì báo chí phải nhanh nhạy, đúng chính xác, thông tin có định hướng. Làm được như vậy mới lấn át được những thông tin giả, xấu, độc hại trên mạng xã hội hiện nay".

Theo ông Dương Vũ Thông – Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Thành phố thì thách thức đặt ra cho báo chí hiện nay rất lớn, rất phức tạp. Do báo chí vừa đảm bảo thông tin đúng định hướng, vừa phải đảm bảo đưa thông tin nhanh, nhạy và hấp dẫn. Vì nếu không hấp dẫn sẽ tự đánh mất độc giả, đánh mất những yếu tố sống còn của báo chí: "Cái khó mà nhiều nhà báo băn khoăn là báo chí của chúng ta luôn cố gắng tạo ra tính hấp dẫn. Và hấp dẫn gì chăng nữa thì cũng tuyệt đối thực hiện nghiêm túc theo luật báo chí và đặc biệt đối với các nhà báo chúng ta còn phải chấp hành 10 điều qui định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Các nhà báo còn phải luôn ghi nhớ và nâng cao tính thẩm mỹ, tính lành mạnh, tính tích cực trong công tác thông tin tuyên truyền. Hiện nay có một thách thức đặt ra không kém phần khốc liệt, đó là làm sao chiếm được cảm tình của bạn đọc trước sự phát triển của những hệ quả như câu “view”, giật gân, giật tít, bịa đặt, từ các trang mạng xã hội".

Trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay, thì việc xử lý tin giả, tin đồn thất thiệt, vốn là phạm trù rất phức tạp, thuộc chức năng của các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin truyền thông. Hiện nay, các cơ quan báo chí chính thống có nhiệm vụ rất lớn là vừa cổ động, tuyên truyền cho các chủ trương, chính sách của Đảng, phát luật của nhà nước, vừa phải tích cực góp phần vào định hướng thông tin tuyên truyền. Nói một cách cụ thể là song song với hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị của mình thì báo chí cách mạng còn có nhiệm vụ là chống lại tin giả, tin đồn thất thiệt, bằng chính nội lực từ những “ngòi bút thẳng” để phản bác hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Bình luận