Chờ...

Cuộc đua phát triển 5G- bài 3: 5G hỗ trợ TPHCM xây dựng đô thị thông minh, phục vụ người dân tốt hơn

(VOH) – TPHCM là nơi đầu tiên trong cả nước triển khai thử nghiệm 5G. Người dân sẽ được hưởng lợi gì? và từ bây giờ, thành phố phải chuẩn bị gì cho việc sớm đưa 5G vào thực tiễn?

Những lợi ích mang lại cho người dân

Có thể nói, việc sớm triển khai 5G sẽ là một bước quan trọng và hỗ trợ tốt cho hành trình xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh. Theo đánh giá của các chuyên gia công nghệ quốc tế, với ưu điểm có tốc độ nhanh, độ trễ thấp nhờ vào mật độ trạm thu phát sóng di động (BTS) dày đặc hơn, băng thông nhiều hơn, hạ tầng 5G chính là nền tảng cho việc phát triển các ứng dụng Internet vạn vật (IoT) trong đô thị thông minh.

Khi 5G được triển khai tạo nền tảng kích thích phát triển những ứng dụng mới. 5G với những tính năng vượt trội về tốc độ lên tới 10 Gpbs - gấp 10 lần mạng 4G LTE, độ trễ nhỏ hơn 1ms và hỗ trợ kết nối tới 1 triệu thiết bị trên 1 km2… là nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phục vụ cho việc kết nối, tự động hóa.

Đồng thời, khi hạ tầng kỹ thuật đã có, TPHCM sớm xây dựng các ứng dụng dựa trên nền tảng 5G trong quá trình triển khai đô thị thông minh, mở ra những giải pháp tối ưu hơn trên các lĩnh vực như giao thông thông minh, hành chính công, y tế... và nhiều dịch vụ mới phong phú hơn.

Ngoài ra, công nghệ 5G có thể tạo ra nhiều việc làm mới, nhất là trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ.

TPHCM cần chuẩn bị gì?

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin truyền thông (TTTT) TPHCM cho biết để triển khai 5G tại TPHCM cần phải giải quyết các vấn đề cơ bản sau:

Phát triển hạ tầng đạt hiệu quả nhất, là phát triển hạ tầng 5G phải gắn liền với nền tảng hạ tầng 4G hiện hữu, trong đó, tăng cường chia sẻ, sử dụng chung các trạm thu phát sóng (BTS) giữa các nhà mạng.

Xây dựng các BTS thân thiện với cảnh quan môi trường hơn và xây dựng hạ tầng mạng viễn thông bền vững. Sở TTTT đề xuất và sẽ hỗ trợ trong việc tích hợp hạ tầng viễn thông vào hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị như bố trí các thiết bị thu phát sóng di động vào cột biển báo giao thông, chiếu sáng, tiểu cảnh cây xanh…., dần thay thế các cột BTS kém chất lượng, thiếu an toàn và không phù hợp mỹ quan.

Theo ông Cường, TPHCM có đủ nguồn nhân lực, có chương trình phát triển vi mạch, từ đó có thể phối hợp với Bộ TTTT, phối hợp với các nhà mạng phát triển các thiết bị đầu cuối, thiết bị lõi phục vụ sử dụng 5G, hướng đến việc kêu gọi “mạng 5G Việt Nam sử dụng thiết bị Việt Nam”.

Trong đề án xây dựng thành phố đô thị thông minh, một trong bốn trụ cột là xây dựng Trung tâm an toàn thông tin, nhằm ngăn chặn chặn rủi ro mất an toàn thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và cho người dân.

Ông Lê Quốc Cường cho biết, khi 5G được chính thức triển khai, cũng cần tính đến việc giải phóng băng tần 2G vì đây là tần số không đáp ứng dịch vụ dữ liệu như 3G, 4G, để tiết kiệm băng tần phục vụ cho các hệ thống di động khác. Khi đó, người dân sử dụng nhiều điện thoại thông minh hơn, tiếp cận được các dịch vụ thông minh và tạo thuận lợi cho việc xây dựng thành phố thành đô thị thông minh. Khi đó, thành phố có thể tính đến việc hỗ trợ cho 1 bộ phận người dân gặp khó khăn trong việc sở hữu smartphone.

Không thu cước trong quá trình thử nghiệm 5G

Cho đến nay, Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên được chính thức cấp phép thử nghiệm dịch vụ viễn thông 5G. Trong quá trình thử nghiệm 5G, Viettel cho biết sẽ không được thu cước của đối tượng tham gia thử nghiệm. Thời gian thử nghiệm 1 năm, tức là đến tháng 1/2020. Đơn vị này cho biết đang làm song song hai việc: phát triển các thiết bị với chip 5G mua của các nhà cung cấp khác và tự phát triển chip 5G riêng của Tập đoàn. 

Hiện trạm 5G đầu tiên tại Việt Nam vừa được lắp đặt trên nóc nhà Trung tâm Viettel Quận Hoàn Kiếm. Dự kiến đầu tháng 5/2019, 3 trạm 5G đầu tiên sẽ chính thức phát sóng. Đại diện đơn vị này cũng cho biết trong tháng 6/2019, 70 trạm 5G sẽ được tập đoàn này triển khai thử nghiệm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, để đánh giá vùng phủ, dung lượng, tốc độ tối đa để chuẩn bị cho triển khai mạng 5G diện rộng.

Để có thể nghiên cứu phát triển và triển khai các ứng dụng IoT một cách hiệu quả và tiết kiệm, đòi hỏi cần có những thay đổi, hướng dẫn về chính sách, tiêu chuẩn kỹ thuật. Do vậy, cơ quan chuyên môn cần sớm xây dựng các quy định, chính sách về tần số hoạt động của các thiết bị IoT, tiêu chuẩn kỹ thuật, chuẩn dữ liệu cho các ứng dụng IoT. Bộ TTTT cần sớm hoàn thiện quy hoạch băng tần hoạt động và cấp phép thử nghiệm ở cả băng tần thấp và băng tần cao cho các doanh nghiệp viễn thông triển khai thử nghiệm 5G tại Việt Nam.

Khi các BTS tăng lên phục vụ cho nhu cầu triển khai 5G, đòi hỏi phải xây dựng chính sách ưu tiên cho việc kiểm định phơi nhiễm trường điện từ cho các trạm BTS trên địa bàn. Hiện tại, việc kiểm định phơi nhiễm trường điện từ với các trạm 4G còn rất chậm và quá tải từ các đơn vị kiểm định.

Tại Hội nghị ASEAN về Phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 5 (5G) vào cuối tháng 3/2019, lãnh đạo Bộ TTTT cho biết các thế hệ mạng di động trước đây Việt Nam luôn đi sau thế giới gần chục năm. Để tránh bị tụt hậu trong lĩnh vực công nghệ này, Việt Nam đang nỗ lực ghi dấu ấn trong việc phát triển mạng 5G. Và với những gì đang triển khai, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng mạng 5G sẽ sớm được thương mại hoá, qua đó mang lại nhiều lợi ích cho người dân và vững bước phát triển đi lên trong nền kinh tế số thời 4.0.

Mời xem clip ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TPHCM: