Đề Sử không yêu cầu học thuộc lòng, đề Sinh dài và khó

(VOH) - Nhiều thí sinh cho biết rất hứng thú với đề thi ra theo hướng mở...

Các thí sinh kết thúc kỳ thi THPT QG 2015. Ảnh: Lan Hương

Ngày 4/7, thí sinh bước vào ngày thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia, buổi sáng thí sinh dự thi môn Lịch sử, thời gian làm bài 180 phút và chiều thi môn Sinh học, thời gian làm bài 90 phút.

Đề sử ra theo hướng mở

Kết thúc môn Sử, nhiều thí sinh nhận định đề thi năm nay khó, phân loại cao. Đề thi môn lịch sử chỉ có một câu học thuộc, ba câu còn lại đều yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp và áp dụng thực tế. Nhiều thí sinh cho biết rất hứng thú với đề thi ra theo hướng mở, đặc biệt là đề thi yêu cầu trình bày suy nghĩ về câu nói “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập” (trích trong Tuyên ngôn độc lập 1945) hay yêu cầu lựa chọn nhân tố cần phát huy trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay và thanh niên Việt Nam cần làm gì để góp phần củng cố và phát triển nhân tố đó.

Các thí sinh nhận xét đề thi:

“Em thấy đề thi môn Sử dễ, nếu học bài kỹ lưỡng, làm bài tự tin và chắc chắn thì 8 điểm là không khó, học sinh trung bình cũng có thể được điểm 7. Đề Sử năm nay mang tính thực tế để học sinh có thể tự tin trình bày những suy nghĩ của mình về việc làm cho đất nước phát triển”.

“Em thấy đề Sử có kiến thức ở ngoài, không phải học thuộc nhiều, dễ hơn năm ngoái. Riêng câu 1 phải học bài, các câu sau chỉ cần vận dụng thôi các bạn đã có được 4-5 điểm, nếu học bài thì được 5-6 điểm. Hai câu cuối là phân hóa dành cho Đại học là cần nêu suy nghĩ và phân tích ra, cũng vừa tầm với các bạn thi Đại học. Mình có kiến thức sẵn trong quá trình học, bây giờ chỉ cần vận dụng kiến thức bên ngoài kết hợp với những kiến thức đã học thì sẽ hay hơn là chỉ học thuộc rồi chép ra. Như vậy là rập khuôn không có phát triển được ý tưởng”.

Các cụm thi tại TP.HCM có hơn 18.000 thí sinh dự thi môn Lịch sử, đây là môn thi tự chọn có ít thí sinh dự thi. Tỷ lệ thí sinh dự thi môn Sử không cao bằng các môn thi trước, cụ thể, trường ĐHQG TP hơn 91% tỷ lệ thí sinh dự thi, trường ĐH Sư Phạm Kỹ thuật hơn 92%, trường ĐH Sư Phạm hơn 95%, các trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm, trường ĐH Y Dược, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đều có tỷ lệ thí sinh dự thi hơn 93%.            

Khâu tổ chức thi được thực hiện chu đáo, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, lực lượng coi thi, an ninh trật tự được đảm bảo. Tại trường ĐH Sư Phạm TP, tình hình thi cử diễn ra nghiêm túc, an toàn, trật tự phòng thi được đảm bảo, có 2 thí sinh bị xử lý kỉ luật vì mang tài liệu vào phòng thi. Trường ĐH Sư Phạm TP cũng là cụm thi có đông thí sinh thi môn Lịch sử nhất với gần 3.000 thí sinh, được phân bổ vào 6 điểm thi của trường. "Trên tinh thần rút kinh nghiệm từ hai môn Ngữ văn và Địa lý, trường tăng cường công tác coi thi, giám sát chặt chẽ, các trường hợp lập biên bản đều là những lỗi rõ ràng của thí sinh”, thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Sư Phạm cho hay.

Còn tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP đã tổ chức 4 điểm thi của trường cho thí sinh dự thi môn lịch sử. TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cho biết sáng nay, thí sinh đến dự thi với tỷ lệ thấp hơn những ngày khác, có 4 trường hợp bị xử lý kỷ luật đình chỉ thi vì mang tài liệu vào phòng thi.

Ở môn thi Lịch sử sáng nay tiếp tục có hàng chục thí sinh bị đình chỉ do mang tài liệu vào phòng thi. Cụ thể, tại cụm thi trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP trong buổi thi sáng nay đình chỉ 2 thí sinh, trong đó 1 thí sinh sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh, 1 thí sinh sử dụng tài liệu trong phòng thi. Cụm thi trường ĐH Sư Phạm Kỹ thuật TP có 4 thí sinh bị đình chỉ do mang tài liệu. Trường ĐH Công nghiệp TP có 7 thí sinh bị đình chỉ vì tài liệu. ĐH Sư Phạm ghi nhận 5 thí sinh đình chỉ vì mang tài liệu. Trường ĐH Y Dược TPHCM có 4 thí sinh bị đình chỉ. Trường ĐH Sài Gòn có 3 thí sinh bị đình chỉ do mang tài liệu. Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng có 1 thí sinh đình chỉ do tài liệu.

Đề thi sinh dài và khó

Nhận xét về đề thi Sinh học, nhiều thí sinh cho biết đề thi dài và khó hơn năm ngoái. Em Hồng Liên, học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong cho hay, đề thi có 20 câu phân loại thí sinh, nhất là nội dung về bài tập di truyền rất khó, thậm chí đề thi chính thức này khó hơn cả đề thi minh hoạ của Bộ công bố trước đó.

Theo quy chế của Bộ GD-ĐT, sau khi kết thúc kỳ thi, các trường sẽ bắt tay vào khâu chấm thi, dự kiến sẽ hoàn tất việc chấm thi trước ngày 20/7 để thí sinh lấy kết quả nộp hồ sơ xét tuyển ĐH-CĐ.