Chờ...

Dịch Covid-19 đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số tại Việt Nam

(VOH) - Hơn 100 nhà quản lý, chuyên gia, lãnh đạo các địa phương và doanh nghiệp tham gia hội thảo quốc gia “Kinh tế số - tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam” vào sáng 12/10.

Hội thảo diễn ra tại TPHCM do Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp với Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức.

Hội thảo quốc gia “Kinh tế số - tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam”
Hội thảo quốc gia “Kinh tế số - tác động, cơ hội và khả năng tận dụng của Việt Nam”

Vừa qua, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52-NQ/TW coi phát triển kinh tế số là một vấn đề cốt lõi. Trên cơ sở đó, mỗi tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào nền kinh tế số để phát triển doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo sự liên thông, kết nối để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn.

Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế số. Việt Nam vừa khống chế được đại dịch vừa ứng dụng, phát triển phương thức trực tuyến trong điều hành, làm việc, đào tạo của cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp, trường học. Hiện nay, phổ biến nhất trong các doanh nghiệp là số hoá trong lưu trữ, xử lý dữ liệu từ sản xuất đến đưa sản phẩm ra thị trường; theo dõi phản hồi và quay trở lại điều chỉnh sản xuất khi cần thiết.

Cùng với đó, thương mại điện tử, giao dịch kinh tế không tiền mặt ngày càng phát triển tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, ứng dụng các công cụ của kinh tế số. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, chuyển đổi số của các cơ quan quản lý nhà nước cần đảm bảo sự liên thông của các cơ quan với nhau khi tham gia một vấn đề. “Lấy một ví dụ như vừa qua, Chính phủ cho phép các chuyên gia được nhập cảnh vào Việt Nam, thì nếu lấy y tế làm đầu mối và khi đã có quyết định của UBND tỉnh thành phố trực thuộc trung ương thì không có một cơ quan nào kể cả cơ quan xuất nhập cảnh của Bộ Công an được phép yêu cầu các doanh nghiệp phải làm thêm động tác là đơn từ hay cam kết gì đối với việc cho chuyên gia vào. Và khi chuyên gia vào thì các bộ phận tự lên mạng và liên thông chứ không phải yêu cầu chuyên gia đến xin y tế xong rồi thì lên xin thành phố sau đó lại trở về y tế lấy vé được, đó không phải là liên thông” - Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên nói.

Với hiện trạng 70% dữ liệu vẫn còn tồn tại trên giấy và có thể hư hỏng, mất mát theo thời gian, ông Bùi Ngọc Bình, Phó giám đốc chi nhánh TPHCM - Công ty FSI, doanh nghiệp chuyên về số hoá dữ liệu cho biết, hiện công nghệ của doanh nghiệp này tập trung vào chuyển đổi dữ liệu, chủ yếu chuyển đổi dữ liệu từ văn bản giấy chuyển sang văn bản số, làm giàu hệ thống dữ liệu cho công nghệ hiện nay. Trong đợt dịch vừa qua, hàng tháng, khách hàng tìm đến công ty tăng đột biến khoảng 300% so với năm trước. “Việc làm giàu dự liệu là một trong những thành phần cấu thành nền kinh tế số, hình thành cơ sở dữ liệu để thuận lợi khai thác, phát triển những yêu cầu liên quan đến mặt phân tích cũng như khai thác và đưa các dữ liệu này trở thành dữ liệu có ích trong quá trình vận hành các ứng dụng nền tảng chuyển đổi số hiện nay”, ông Bùi Ngọc Bình cho hay.

Đại học Quốc gia TP.HCM và công ty xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương IPP ký kết hợp đồng tài trợ để triển khai Chương trình Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ Robot.

Đại học Quốc gia TPHCM và công ty xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương IPP ký kết hợp đồng tài trợ để triển khai Chương trình Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ Robot.

Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế trung ương cho rằng, quá trình phát triển kinh tế thị trường ưu việt hơn hẳn kinh tế tập trung bởi kinh tế tập trung không có đủ năng lực để đánh giá được nhu cầu của từng con người, sản xuất cái gì, bao nhiêu… và phân phối cho ai, điều đó là thất bại rõ ràng nhất của kinh tế tập trung. Trong khi đó, kinh tế số một phần nào đó sẽ giải quyết được vấn đề này. “Sự phát triển của kinh tế số và công nghệ số hiện nay, cho phép tính tập trung cao hơn là tính phân tán. Vấn đề của Việt Nam hiện nay là phân tán dữ liệu, phân tán số liệu, không nắm được cái chung. Do đó, để phát triển kinh tế số, kỹ thuật số và công nghệ AI hiện nay, cho phép tính tập trung cao hơn”- Tiến sĩ Nguyễn Tú Anh nhìn nhận.

Tại sự kiện này, Đại học Quốc gia TPHCM và công ty xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương IPP ký kết hợp đồng tài trợ để triển khai Chương trình Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ Robot với tổng giá trị hợp đồng là 30 tỉ đồng. Trước đó, năm 2019, hai đơn vị này đã ký biên bản ghi nhớ, trong đó tập đoàn IPP cam kết tài trợ cho Đại học Quốc gia TPHCM để triển khai chương trình trí tuệ nhân tạo công nghệ robot và thành lập trường doanh nhân tại Đại học Quốc gia TPHCM với tổng giá trị cam kết là 10 triệu đô la Mỹ.