Đối phó với nắng nóng, Nhật Bản nghiên cứu giống lúa chịu nhiệt

VOH - Các chuyên gia trong ngành nông nghiệp Nhật Bản đang thử nghiệm các giống lúa có khả năng chịu nhiệt, đây là giải pháp cho vấn đề sụt giảm năng suất khi nắng nóng trong mùa hè.

Trong năm 2023, ngành trồng lúa của Nhật Bản đã chịu thiệt hại nghiêm trọng khi nhiệt độ mùa hè tăng lên mức kỷ lục. Chỉ có 5% giống lúa truyền thống Koshihikari thu hoạch ở tỉnh Niigata được coi là chất lượng loại một. Con số này đã gây chấn động toàn ngành nông nghiệp vì trước đây, tỷ lệ này thường vào khoảng 80%.

Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, tỷ lệ trung bình toàn quốc về lúa loại một thu hoạch trong số tất cả các giống lúa được kiểm tra trong năm 2023 (trừ gạo nếp) là 61,3%, giảm đáng kể so với năm trước.

Trước tình hình này, người nông dân ngày càng kỳ vọng nhiều hơn vào các giống cây chịu nhiệt trong bối cảnh mùa hè nóng bức vẫn tiếp tục hoành hành ở Nhật Bản.

nhat-ban-phat-trien-cac-giong-lua-chiu-nhiet-de-doi-pho-voi-bcb74
Sử dụng giống lúa chịu nhiệt được coi là chìa khóa để ngăn ngừa thiệt hại do hiện tượng nóng lên toàn cầu - Nguồn: Reuters.

Chính quyền tỉnh Niigata, một trong những vựa lúa lớn của Nhật Bản, cho hay giống lúa chịu nhiệt "Shinnosuke" do tỉnh này phát triển đã được trồng trên 5.300ha trong năm nay, tăng 20% so với năm trước.

Mặc dù mất nhiều thời gian và công sức hơn để trồng giống lúa này, nhưng tính đến hết năm ngoái, 94,7% lúa Shinnosuke thu hoạch được xếp hạng chất lượng loại một, mặc dù mùa hè năm ngoái cực kỳ nóng. Vì vậy, hợp tác xã nông nghiệp của tỉnh đang khuyến khích nông dân trồng loại lúa trên.

Trong báo cáo về tình hình trồng lúa trong tương lai được biên soạn hồi tháng 12/2023, chính quyền tỉnh Niigata khẳng định sẽ thực hiện các biện pháp đối phó nghiêm túc với tình trạng nắng nóng ngày càng tăng của mùa hè.

Báo cáo đề xuất chuyển sang trồng Shinnosuke và các giống lúa chịu nhiệt khác, mặc dù giống lúa phổ biến "Koshihikari" vẫn là giống lúa chính được trồng ở tỉnh này. Báo cáo cũng khuyến cáo nông dân nên điều chỉnh thời gian trồng trọt và chú ý bón phân đầy đủ trong những tháng mùa hè.

Trong khi đó, "Niji-no-kirameki", một giống lúa do Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp và Thực phẩm quốc gia Nhật Bản phát triển, đang được trồng trên diện tích khoảng 7.500 ha trong năm nay, tăng 1,5 lần so với năm 2023.

JA Alps - Hiệp hội Hợp tác xã nông nghiệp có trụ sở tại tỉnh Toyama cho biết đã tăng diện tích trồng giống lúa chịu nhiệt "Fufufu" lên 25% so với năm ngoái lên 450 ha. Fufufu hiện chiếm hơn 10% sản lượng gạo được trồng tại khu vực JA Alps.

Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản cũng cho hay, ngoài phát triển các giống lúa chịu nhiệt, cơ quan này đang triển khai một số biện pháp khác ứng phó với nắng nóng bao gồm việc chi 270 triệu yen (1,75 triệu USD) trong ngân sách bổ sung cho năm tài chính 2023 để thử nghiệm các kỹ thuật canh tác chịu nhiệt cho lúa, rau và các loại cây trồng khác.

Bên cạnh đó, Bộ này còn chi 31 tỷ yen cho máy bay không người lái phun phân bón, máy tạo sương mù sử dụng trong nhà kính và các biện pháp ứng phó khác.

Bình luận