Ứng dụng WhatsApp của mạng xã hội Facebook mới đây lại cập nhật các điều khoản về quyền riêng tư của người dùng, buộc người dùng phải đồng ý chia sẻ thông tin cá nhân của họ với Facebook vào trước ngày 15/5 nếu không muốn tài khoản của mình không thể tiếp tục sử dụng.
Trước động thái này của Facebook, cơ quan chức năng của Đức ngày 11/5 đã ban hành lệnh cấm khẩn cấp, yêu cầu Facebook ngừng thu thập dữ liệu người dùng WhatsApp trong 3 tháng.
Theo CNBC đưa tin, kể từ khi mua lại ứng dụng WhatsApp với giá 19 tỷ USD vào năm 2014, Giám đốc điều hành của Facebook, ông Mark Zuckerberg, luôn tìm kiếm những cách thức kiếm tiền mới.
Tin cho hay, WhatsApp có khoảng 60 triệu người dùng ở Đức. Trong một động thái mới nhất của Facebook, người dùng WhatsApp trên toàn thế giới được yêu cầu phải đồng ý với các điều khoản sử dụng và quyền riêng tư mới. Theo đó, cho phép công ty này được quyền chia sẻ thông tin cá nhân người dùng với Facebook.
Người dùng WhatsApp đã được thông báo rằng nếu họ muốn tiếp tục sử dụng ứng dụng này, họ phải đồng ý với các điều khoản mới vào trước ngày 15/5.
Ông Johannes Caspar, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu và Tự do Thông tin của Đức ngày 11/5 nói rằng điều khoản mới của Facebook về quyền sử dụng và quyền riêng tư của người dùng là bất hợp pháp. Do đó, ông đã ban hành lệnh khẩn cấp kéo dài 3 tháng để ngăn chặn Facebook tiếp tục xử lý các dữ liệu cá nhân người dùng WhatsApp ở Đức.
Ông Caspar cũng hối thúc cơ quan quản lý dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) làm theo để lệnh cấm này có thể áp dụng tại tất cả 27 nước thành viên EU.
Trong một tuyên bố, người đứng đầu Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu và Tự do Thông tin của Đức nói rằng: "Lệnh cấm này nhằm bảo vệ quyền và tự do của hàng triệu người dùng đã đồng ý với điều khoản sử dụng trên ở khắp nước Đức. Còn một điều quan trọng nữa là ngăn ngừa những yếu tố bất lợi cũng như những thiệt hại liên quan đến chương trình hộp đen này".
Ông Caspar cho biết vụ bê bối của công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica trước đây liên quan đến việc thu thập trái phép thông tin của 500 triệu người dùng Facebook cho thấy mức độ rủi ro của các hoạt động phân tích dữ liệu quy mô lớn. Những thông tin này thậm chí có thể được sử dụng để thao túng việc đưa ra các quyết sách liên quan đến dân chủ.
Ông Caspar nói, những chỉ trích của các nước đối với các điều khoản sử dụng mới của WhatsApp có thể sẽ khiến mọi người suy nghĩ lại về các cơ chế cấp phép. Theo ông, bất kỳ mô hình kinh doanh nào dựa trên cơ sở dữ liệu đều sẽ không thể gặt hái được thành công lâu dài nếu không có được sự tin tưởng của người dùng.
Facebook cho biết hầu hết những người dùng đã nhận được thông báo về điều khoản sử dụng và chính sách về quyền riêng tư mới đều đồng ý với bản cập nhật mới, và Facebook đang xem xét cách thức để chống lại lệnh cấm trên.
Được biết, Facebook kiếm tiền bằng cách thu thập thông tin cá nhân người dùng rồi bán những thông tin đó cho các công ty quảng cáo. Thậm chí, nó còn thu thập thông tin từ các ứng dụng khác như WhatsApp, Instagram... rồi đối chiếu những dữ liệu đó để dựng nên chân dung chi tiết của mỗi cá nhân người dùng.