Chờ...

Hạn chế lộ thông tin cá nhân trên mạng xã hội bằng cách nào?

(VOH) – Những ngày gần đây, dư luận xôn xao với thông tin khoảng 50 triệu người dùng Facebook bị “lấy cắp” mà không hề hay biết.

Thông tin gây sốc kể trên được hàng loạt tờ báo lớn như The New York Times, The Observer hay The Guardian đồng loạt đăng tải hôm 17/3, dẫn lời từ chính một nhân viên đã tham gia vào việc này.

Vì sao 50 triệu thông tin cá nhân bị “lấy cắp”?

Công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica (Anh) - là một công ty lưu trữ dữ liệu cấp quốc gia được thành lập vào năm 2013. Công ty này có mối quan hệ mật thiết với Steve Bannon – cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng và Robert Murcer – mạnh thường quân khổng lồ của Đảng Cộng hoà.

Năm 2016, công ty này tham gia trong chiến dịch tranh cử tổng thống mỹ của Donald Trump với vai trò lấy dữ liệu từ một số nguồn mà chủ yếu là từ mạng xã hội, hồ sơ công cộng, dữ liệu chi tiêu, tiêu dùng và sử dụng những thông tin này để dự đoán hành vi bỏ phiếu. Thông qua mạng xã hội Facebook, những người dùng được mời gọi thực hiện các trắc nghiệm (hoặc kiểm tra) trực tuyến, bằng cách ấy Cambridge Analytica đã lấy cắp và sử dụng thông tin cá nhân của hàng chục triệu người dùng Facebook để sử dụng cho các mục đích chính trị mà bản thân người dùng không hề hay biết.

Theo Christopher Wylie, nhà khoa học dữ liệu và từng làm việc tại Cambridge Analytica, người đã tiết lộ thông tin gây sốc kể trên, cho biết hơn 50 triệu dữ liệu người dùng Facebook đã bị lấy cắp và 1 triệu USD đã được đầu tư để thực hiện điều này.

Facebook lộ thông tin cá nhân của 50 triệu người dùng

Christopher Wylie, người đã có tiết lộ gây sốc về chiến dịch tranh cử của tổng thống Donald Trump

Facebook đã đưa ra rất nhiều câu trả lời trong rắc rối lần này. Trong khi các nhà lập pháp Anh đang điều tra Cambridge Analytica về vai trò của công ty này trong chiến dịch bầu cử tổng thống năm 2016 ở Mỹ, thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp bang Massachusetts – bà Maura Healey tuyên bố văn phòng của bà đang mở một cuộc điều tra đối với cả Facebook lẫn Cambridge Analytica.

Nâng cao ý thức bảo mật thông tin để bảo vệ mình

Nhân danh việc hỗ trợ và cung cấp các kết nối cho người dùng, những thuật toán của Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung như Zalo, Twitter, Instagram... đang dần thao túng và kiểm soát dữ liệu cá nhân không chỉ từ bạn mà còn từ bạn bè và người thân của mình. Chính vì vậy, đã đến lúc bạn cần ý thức hơn trong việc bảo mật hoặc cung cấp thông tin cá nhân.

Hãy nhớ rằng khi người dùng đăng tải một dòng trạng thái, một địa điểm checkin hoặc một bức ảnh của mình lên mạng xã hội... có nghĩa là bạn đã cung cấp thông tin cho các phần mềm tự động, giúp nhận dạng khuôn mặt, phân tích và thu thập cả thói quen giao tiếp và hành vi người dùng, qua đó chúng theo dõi và gián tiếp kiểm soát hành vi của bạn.

Chưa kể, những đường link chứa nội dung không rõ ràng hay một bài kiểm tra đơn thuần mang tính giải trí nào đấy đều tiềm ẩn nguy cơ tiết lộ thông tin cá nhân bạn bè của bạn nếu được bạn chia sẻ trên trang cá nhân của chính mình. Điều này nghĩa là, việc bạn chia sẻ một ứng dụng vừa chơi thông qua một mạng xã hội đồng nghĩa với việc bạn vừa mở ra cơ hội cho bên thứ 3 được phép truy cập vào dữ liệu cá nhân của bạn và những người nằm trong danh sách bạn bè của bạn.

Vậy nên, ngay từ lúc này bạn có thể áp dụng một số phương thức để bảo vệ mình như:

- Kiểm tra những ứng dụng bên thứ 3 mà bạn đã đăng nhập thông qua Facebook: Bạn mở mục Cài đặt (Setting) trong tài khoản Facebook của mình và chọn Ứng dụng (Apps) rồi nhấp vào Đã đăng nhập bằng Facebook (Logged in with Facebook) và bắt đầu kiểm tra các thiết lập.

Hãy kiểm tra các ứng dụng đang sử dụng thông tin của bạn

- Hai bước xác nhận đăng nhập: Xác thực hai bước tức là hai yếu tố kết hợp đồng thời, tin tặc sẽ gặp rất nhiều khó khăn để đánh cắp thông tin này. Phương pháp này đảm bảo an toàn hơn rất nhiều so với phương pháp xác thực truyền thống. Bạn có thể thao tác bằng cách chọn Cài đặt (Settings) > Bảo mật và đăng nhập (Security and Login) > Chọn bảo mật hai lớp (Use two-factor authentication) và nhấn Kích hoạt (On).

- Sử dụng chương trình diệt Virus đáng tin cậy: Bạn cần nên trang bị cho máy tính một chương trình diệt virus mạnh và ổn định, đây rào chắn quan trọng trong việc bảo vệ máy tính trước các nguy cơ về mã độc và virus.

- Cẩn thận với các phần mềm dạng “Download and Run”: Bạn nên đặc biệt lưu ý đến các phần mềm “trung gian” giúp tải về phần mềm từ một trang web cung cấp, chúng có dạng “Download and Run”, tức “tải về và tự khởi động”. Các phần mềm dạng này luôn ẩn chứa bên trong các phần mềm độc hại, mà có thể bạn sẽ “vô tình” cài đặt chúng khi khởi chạy.

Tại Việt Nam, hầu như mọi người đều có tài khoản trên mạng xã hội và thậm chí là dùng song song nhiều ứng dụng, nhiều tài khoản khác nhau. Đây cũng chính là môi trường béo bở cho các hoạt động "ngầm" nhằm đánh cắp và khai thác thông tin sử dụng vào các mục đích tiêu cực. Vì thế, điều đầu tiên bạn nên thực hiện vào lúc này là hãy hạn chế sử dụng quá nhiều tài khoản trên quá nhiều ứng dụng và đừng quên cân nhắc khi khai báo các thông tin quan trọng.

>> Hậu quả nguy hiểm khi đăng hình trẻ trên mạng xã hội

>> Khi mạng xã hội chi phối quan hệ con người

>> Chống lại kẻ bắt nạt trên mạng - Cẩm nang sử dụng mạng xã hội