Khi mạng xã hội chi phối cuộc sống con người
Mạng xã hội đem đến một sức mạnh không hề ảo. Người sử dụng mạng xã hội có cơ hội:
- Chứng tỏ bản thân: Giới thiệu tính cách, sở thích, quan điểm của bản thân trên mạng xã hội và giúp tìm kiếm những cơ hội phát triển khả năng của bản thân.
- Kết nối bạn bè: có thể biết được nhiều thông tin về bạn bè hoặc người thân bằng cách kết bạn trên mạng xã hội. Chúng ta có thể gặp gỡ và giao lưu kết bạn với tất cả mọi người trên thế giới có cùng sở thích hay quan điểm giống mình.
- Tiếp nhận, cập nhật thông tin, học hỏi kiến thức và kỹ năng thông qua việc chia sẻ của mọi thành viên trong mạng xã hội.
- Kinh doanh: bán và mua hàng online không còn xa lạ. Bạn có thể dùng nó để quảng cáo sản phẩm của công ty, kiếm thêm thu nhập, tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
- Bày tỏ quan niệm và cảm xúc cá nhân: trải qua rất nhiều hoạt động căng thẳng trong cuộc sống, mỗi con người cần bày tỏ và cần nhận được sự sẻ chia để cảm thấy thanh thản hơn. Thế nhưng, việc chia sẻ vấn đề ngoài đời thực đôi khi khó khăn với một số người ít nói. Chính vì thế việc viết ra những suy nghĩ nhờ bàn phím máy tính sẽ giúp chúng ta giải tỏa được phần nào.
Khi mạng xã hội khiến con người "cô đơn"
- Tốn quá nhiều thời gian: Mỗi khi chúng ta có internet, thật khó kiềm chế để không mở mạng xã hội chỉ để liếc qua một chút các thông tin trong đó ! Vấn đề là bạn cảm thấy mình chỉ dành rất ít thời gian cho mạng xã hội song hãy thử nhớ lại xem, mình đã làm những cái “ít thời gian” đó nhiều đến mức nào trong một ngày.
Với quỹ thời gian eo hẹp còn lại sau những bộn bề công việc vốn nên dành cho thư giãn, nghỉ ngơi, giờ đây bạn phải mất đi cho mạng xã hội. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới tâm tư, tính cách và thậm chí là chất lượng công việc, chất lượng cuộc sống. Từ lúc nào đó, bạn có thể “nghiện” mạng xã hội mà không hề hay biết.
- Xói mòn mối quan hệ giữa người với người: Nghiện mạng xã hội không chỉ khiến bạn dành ít thời gian cho người thật việc thật ở quanh mình, mà còn khiến họ buồn phiền khi bạn coi trọng bạn bè “ảo” từ những mối quan hệ ảo hơn những gì ở trước mắt.
Dần dần, các mối quan hệ sẽ bị rạn nứt và cuối cùng những người xung quanh thậm chí sẽ không muốn gặp bạn nữa, vì dù cho là ở đâu bạn cũng vẫn chăm chú vào chiếc điện thoại của mình.
- Xao nhãng mục tiêu thực của cuộc sống: Khi mạng xã hội vô tình trở thành nơi mà người ta "cạnh tranh" nhau để có nhiều "like" thì mọi hoạt động của bạn sẽ luôn được phơi bày, nó khiến mọi người xao nhãng với những giá trị thực, mục tiêu thực của cuộc sống. Thay vì cố gắng để hiện thực hóa ước mơ bằng cách trở thành một người tài năng, giỏi giang thì chúng ta lại dành thời gian để truy lùng những nơi chụp ảnh, check-in tuyệt đẹp hoặc những ứng dụng selfie giúp dung nhan ta tỏa sáng.
- Đối diện nguy cơ mắc bệnh trầm cảm: Theo các nghiên cứu gần đây, những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội thường có cảm xúc tiêu cực nhiều hơn, bao gồm cả trầm cảm. Sử dụng mạng xã hội thường xuyên khiến bạn khó kiểm soát được trạng thái tâm lý mà chịu tác động của tâm lý đám đông. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy buồn bã, bi quan, nên ngừng sử dụng mạng xã hội một thời gian để tìm lại cuộc sống thực của mình.
- Chuyện tình cảm dễ bị tan vỡ: Khi bạn sống quá nhiều trên các trang mạng sẽ khiến bạn quên đi vị trí thật trong cuộc sống. Bạn dành thời gian để chat, bình luận và chụp hình tự sướng nhiều hơn dành thời gian để trò chuyện cùng người thân và bạn bè. Trong môi trường mạng xã hội, bạn nhiệt tình "thich" hoặc bình luận chúc nhau hạnh phúc nhưng quên chăm sóc và vun đắp cho hạnh phúc của chính mình.
- Thông tin trên mạng xã hội thường không được kiểm chứng nhưng sức lan tỏa nhanh dù đa số người đọc, hay chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, đều chưa biết thực hư sự chính xác của thông tin đó. Vì thế, họ dễ bị lợi dụng để tung tin sai sự thật nhằm mục đích tác động tiêu cực đến nhân phẩm người khác, gây rối loạn trật tự xã hội và nguy hại đến an ninh quốc gia.
- Nguy cơ tiếp xúc với các thông tin không lành mạnh: Trên mạng xã hội bên cạnh những thông tin chính thống định hướng xã hội mang tính tích cực thì còn khá nhiều nội dung không phù hợp với văn hóa và truyền thống dân tộc Việt Nam, được truyền qua video, hình ảnh, phim, game… nếu người tiếp nhận không đủ tỉnh táo sẽ nhận thức không đúng, có thể phát sinh tư tưởng xấu, hành động trái với đạo đức, thuần phong, mĩ tục của dân tộc, là nguy cơ hàng đầu dẫn tới các tiêu cực và tệ nạn xã hội.
- Các mối quan hệ trong môi trường mạng xã hội vốn dựa trên lòng tin và thông tin chưa được kiểm chứng. Vì thế, đây chính là nơi béo bở cho các đối tượng xấu tổ chức các giao dịch lường gạt, đánh cắp thông tin cá nhân và mạo danh để thực hiện các hành động phi pháp khác.
Làm sao để mạng xã hội giúp chúng ta phát triển
Về bản chất, mạng xã hội chưa bao giờ là xấu. Thế nhưng, qua tay người dùng, mỗi tài khoản mang một sắc màu, cá tính khác nhau. Khai thác và sử dụng mạng xã hội như thế nào để nó thực sự là công cụ có ích là điều chúng ta cần quan tâm.
Yếu tố đầu tiên, chúng ta cần tự trang bị cho mình một "bộ lọc" đủ vững vàng dựa trên nền tảng kiến thức đúng và bản lĩnh để phân biệt, gạn lọc thông tin. Mỗi người sử dụng mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về các thông tin mà mình phát hành và ý thức được những hệ quả đến xã hội của thông tin đó.
Ở cấp độ quản lý, cơ quan chức năng cầng tăng cường định hướng cho quá trình hoạt động của mạng xã hội sao cho bảo đảm dân chủ, công khai và phụ hợp pháp luật. Kiên quyết ngăn chặn, chế tài và xử lý những hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện mục đích xấu.
Con người phát minh ra khoa học công nghệ nhằm phục vụ và hoàn thiện hơn cuộc sống của chính mình. Với sự hỗ trợ của công nghệ, mạng xã hội ra đời ban đầu với mục tiêu kết nối và nhân rộng những mặt tích cực, tuy nhiên trong quá trình phát triển mình cũng khó tránh được những mặt tiêu cực.
Vì thế, như mọi hoạt động sống khác, mạng xã hội cũng cần ý thức tự giác, tự điều chỉnh và cả khuôn khổ trong hoạt động nhằm giữ cho một môi trường lành mạnh, bền vững, góp phần tích cực cho đời sống con người.
>>> Mạng xã hội lợi-hại? (Nhạc sĩ Dương Khắc Linh và ca sĩ Trúc Nhân)