Đây là bước đi tiên phong của Malaysia trong việc tích hợp công nghệ hiện đại vào lĩnh vực an ninh hàng hải.
Trong tuyên bố ngày 9/1, Đô đốc Mohd Rosli Abdullah, Tổng giám đốc MMEA, khẳng định rằng việc ứng dụng AI sẽ mang lại những thay đổi lớn trong hoạt động của cơ quan này. Theo ông, AI không chỉ cải thiện khả năng giám sát mà còn đóng vai trò là "chất xúc tác" thúc đẩy cải cách hoạt động và nâng cao năng lực bảo vệ vùng biển trước các mối đe dọa xuyên quốc gia.
"AI là cách tiếp cận mới cần được chú trọng. Nó cho phép chúng ta giám sát và bảo vệ vùng biển một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn, từ đó đảm bảo an ninh quốc gia," ông Rosli chia sẻ.
Năm 2025, MMEA được phân bổ khoản ngân sách 88,85 triệu USD, dành cho việc bảo dưỡng và sửa chữa các tài sản hàng hải và hàng không. Đây là cơ sở quan trọng giúp cơ quan này duy trì năng lực hoạt động mạnh mẽ, đồng thời triển khai các ứng dụng công nghệ cao như AI trong thời gian tới.
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại, MMEA cũng đẩy mạnh hợp tác chiến lược với các cơ quan thực thi pháp luật và lực lượng hàng hải quốc tế. Các đối tác quan trọng bao gồm Indonesia, Thái Lan, Singapore, Cảnh sát biển Mỹ và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Ông Rosli nhấn mạnh rằng hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế là yếu tố then chốt trong việc bảo vệ an ninh hàng hải, đặc biệt khi đối mặt với các thách thức như nhập cư trái phép hay tội phạm xuyên quốc gia.
"Hợp tác với các nước láng giềng và các đối tác quốc tế không chỉ giúp chia sẻ thông tin hiệu quả mà còn tăng cường khả năng ứng phó trước những mối đe dọa an ninh chung trong khu vực," ông nói.
Việc áp dụng AI vào bảo vệ an ninh hàng hải đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược hiện đại hóa của MMEA. Công nghệ này không chỉ hỗ trợ giám sát hiệu quả các vùng biển mà còn giúp Malaysia đối phó linh hoạt với các vấn đề như buôn lậu, khai thác trái phép và nhập cư bất hợp pháp.