MINDS là mạng xã hội đã được phát triển trong khoảng 2 năm trở lại đây và hiện đã nhận được khoảng 60 triệu lượt ghé thăm.
Nhiều người dùng mạng xã hội Facebook đã rục rịch “chuyển nhà” sang mạng xã hội MINDS vì cho rằng MIND được bảo mật tốt hơn và tôn trọng quyền “tự do ngôn luận”. Thực hư về hoạt động và tình trạng bảo mật của MINDS ra sao?
Giao diện của MINDS (Ảnh: BetaNews)
Theo TS. Trần Thanh Tùng – Giảng viên Đại học Quốc tế (ĐHQG TPHCM), MINDS cung cấp các tính năng cơ bản của một mạng xã hội như đăng tin, chia sẻ tin, kết nối, theo dõi, tạo nhóm, tạo kênh liên lạc, trang chủ, bản tin và trò chuyện. Tuy nhiên, MINDS có một số điểm khác biệt so với các mạng xã hội khác là: Cơ chế chia sẻ lợi nhuận với người dùng thông qua điểm, cơ chế hiển thị tin tức không sàng lọc, cơ chế mã hóa tin nhắn, chính sách không lưu trữ thông tin cá nhân (email, điện thoại...).
Những điểm khác biệt của MINDS so với các mạng xã hội khác
Thứ nhất, MINDS có cơ chế chia sẻ lợi nhuận với người dùng thông qua điểm. Điểm có thể quy đổi sang token riêng của mạng - Minds Token.
Người dùng được thưởng điểm khi tham gia phát triển mạng MINDS, cụ thể là được điểm khi đăng bài, khi tương tác với các người dùng khác, khi giới thiệu người dùng đến mạng và khi có bài viết được nhiều người hưởng ứng, chia sẻ.
Điểm thưởng sau đó có thể được chuyển nhượng hoặc mua bán để dùng cho việc quảng cáo, tham gia các nhóm có tính phí (thông qua điểm) và các hoạt động khác trên mạng MINDS. Qua đó, người dùng có thể có thu nhập từ hoạt động của họ trên MINDS.
Hệ thống thưởng, mua bán và chuyển đổi điểm của MINDS được xây dựng trên nền tảng Blockchain.
Blockchain là một cơ chế lưu trữ trên mạng nhiều máy tính. Trong đó, dữ liệu được tổng hợp thành từng khối (block) và các khối này được liên kết với nhau thành một chuỗi (chain). Cấu trúc của blockchain được thiết kế để việc lưu và thay đổi dữ liệu là rất khó. Các thay đổi (nếu có) sẽ dễ dàng bị phát hiện và loại bỏ.
Như vậy thông tin lưu trữ trên mạng blockchain sẽ an toàn và dễ kiểm tra. Tính chất đó có được do dữ liệu được lưu ở nhiều máy (không tập trung tại một hệ thống máy chủ) và rất khó hoặc gần như không thể thay đổi trái phép.
Thứ hai, một điểm khác biệt khác của MINDS – được nhiều người yêu thích – đó là hiển thị tin tức không sàng lọc.
Hiện nay trên MINDS, thông tin từ các nhóm, các mối quan hệ của một người sẽ được hiển thị đầy đủ theo thứ tự thời gian trên bản tin của của mỗi người dùng. Cơ chế này tương tự như Twitter hiện nay và khác hoàn toàn với các mạng xã hội như Facebook, YouTube và Instagram.
Cơ chế này là cơ sở để MINDS tuyên bố họ ủng hộ và bảo vệ tự do ngôn luận.
Thứ ba, MINDS có tính năng mã hóa tin nhắn. Tính năng mã hóa được thiết kế để tin nhắn chỉ có thể được đọc bởi người tham gia trực tiếp vào cuội hội thoại. Ngay cả MINDS cũng không thể đọc được nội dung tin nhắn.
Tính năng này tồn tại trên nhiều phần mềm nhắn tin nhưng hiện không có trên phần mềm nhắn tin của Facebook (Facebook Messenger). Cơ chế này làm tăng sự riêng tư của người dùng MINDS.
Thứ tư, MINDS hiện đang thực hiện chính sách không lưu trữ thông tin, kể cả thông tin cá nhân người dùng (email, số điện thoại...). Do đó, người dùng có thể ẩn danh (không cần cung cấp thông tin thật) trên mạng xã hội này.
Những yếu tố khác biệt trên là một trong những lý do khiến nhiều người dùng Facebook (mạng xã hội gặp nhiều “bê bối” liên quan đến việc lộ thông tin cá nhân) ùn ùn chuyển sang mạng xã hội MINDS trong thời gian gần đây.
Mặt trái vô hình
Dù MINDS làm tốt công tác bảo mật, người dùng được tự thể hiện quan điểm trên MINDS mà không bị cản trở, cấm đoán – thì không có nghĩa MINDS hoàn toàn an toàn.
Một trong những nguy cơ lớn nhất nay đối với người dùng tham gia các trang mạng xã hội là bị giả mạo danh tính và bị lừa đảo. Khi người dùng trên MINDS ẩn danh, có nghĩa – các thành viên trên mạng này có thể “đeo mặt nạ” giả danh tính nhiều người khác nhau. Bạn có chắc, không bị sập bẫy những kẻ chơi xấu dạng này trên mạng xã hội?
Một vấn đề khác, các trang mạng xã hội hiện nay đều thuộc sở hữu của các hãng công ty tư nhân và bằng cách này hay cách khác, họ kiếm tiền bằng việc thu thập thông tin dữ liệu người dùng – và bán thông tin cho các đơn vị quảng cáo.
Như vậy, dù người dùng tham gia mạng xã hội nào thì cũng có nghĩa là họ chịu sự chi phối và điều khiển bởi công ty sở hữu mạng. Cài đặt bảo mật riêng tư ư? Đó chỉ là sự riêng tư mà các thành viên khác trên mạng xã hội không được biết về bạn mà thôi. Còn lại, tất cả những hình ảnh, status, lượt like, lượt share… đều được ghi nhận lại bởi nhà cung cấp dịch vụ.
Theo ThS. Nguyễn Tiến Dũng – Giảng viên khoa CNTT, Đại học Quốc tế (ĐHQG TPHCM), thì MINDS là sản phẩm của một công ty của Mỹ, tuân thủ luật pháp của Mỹ. Các chính sách của công ty tạo ra MINDS có thể được thay đổi bất cứ lúc nào nên dù được đánh giá là an toàn trong thời điểm hiện tại thì cũng không có nghĩa là người dùng an toàn mãi mãi.
Do đó, dù mạng xã hội nào, có cung cấp cơ chế bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng chặt chẽ đến đâu, thì việc bị lộ thông tin cá nhân hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi người dùng vô tình công bố các hình ảnh có chứa thông tin cá nhân, nhạy cảm lên mạng xã hội.
>>> Cách điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển bằng Phiếuđiều chỉnh nguyện vọng