Tại hội thảo quốc tế Kinh nghiệm quốc tế và trong nước và nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) – Khuyến cáo cho TPHCM, do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) chỉ đạo và tổ chức, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng tổ chức, diễn ra ngày 25/09, đa số các chuyên gia đều đồng ý với quan điểm rằng, thành công của việc nghiên cứu và ứng dụng AI phụ thuộc nhiều vào sự liên kết của tứ giác 4 nhà: nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học và nhà đầu tư.
Hội thảo quốc tế về AI do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) chỉ đạo và tổ chức, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng tổ chức
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố - Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định, qua quá trình theo dõi việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Thành phố, ông cho rằng có một số vấn đề cần trao đổi, trong đó lãnh đạo Thành phố nhấn mạnh đến sự liên kết, tương tác tứ giác của cuộc cách mạng 4.0 bao gồm: nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính.
Thành công của việc nghiên cứu, ứng dụng AI phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố này, đặc biệt trong bối cảnh Thành phố có hơn 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ.
Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc công nghệ FPT chia sẻ: “FPT đã đầu tư vào mảng trí tuệ nhân tạo cách đây khoảng 6 năm, chúng tôi thành lập chương trình FPT AI Program mong muốn phát triển vượt bậc về năng suất cho doanh nghiệp, tổ chức. Cho đến hiện tại, FPT khá thành công với các doanh nghiệp. Còn liên quan đến chính phủ, nhà nước thì chúng tôi đang bắt đầu, hy vọng với việc đi tiên phong của Thành phố thì chúng tôi có cơ hội đem dịch vụ, sản phẩm của mình đến phục vụ Thành phố, phục vụ đất nước tốt hơn”.
Ông Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM
Từ góc nhìn của Đại học Quốc gia TPHCM, Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cũng cho rằng, để thực hiện mục tiêu xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong các lĩnh vực, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ba thành phần: sự lãnh đạo, quan tâm sâu sắc và tạo điều kiện khuyến khích của lãnh đạo Thành phố, chuyên môn nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng của các trường, các viện trên địa bàn, thứ ba là các doanh nghiệp với mật độ công nghệ cao cũng như tiềm năng triển khai lớn:
“Đại học chỉ có thể làm ra được những nghiên cứu mẫu, khi đưa vào triển khai thực tế cần phải có doanh nghiệp. Như vậy, cần sự hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp. Thành phố cần có những chủ trương, xây dựng chính sách, bảo hộ cho những phát minh, cho những sự hình thành của các doanh nghiệp khởi nghiệp liên quan đến vấn đề về trí tuệ nhân tạo”.
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, một hệ sinh thái AI càng mạnh chỉ khi mỗi thành tố trong hệ sinh thái phát triển đồng đều với nhau, nó phụ thuộc vào sự tương tác giữa các phần tử trong hệ thống:
“Các doanh nghiệp sẽ bao gồm doanh nghiệp AI, startup, các doanh nghiệp sme có những sản phẩm công nghệ thông tin, giờ tích hợp thêm thành phần AI, các tập đoàn lớn phát triển các dòng sản phẩm AI của mình như FPT chẳng hạn….Sự tương tác ở đây là các cơ sở nghiên cứu sẽ cung cấp công nghệ nền cho các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp thì cung cấp cho người sử dụng, người sử dụng thì sử dụng sản phẩm và đóng thuế cho chính phủ. Các trường đại học thì cung cấp nhân lực cho công ty. Chính phủ dùng tiền ngân sách để hỗ trợ cho các cơ sở nghiên cứu thì các cơ sở nghiên cứu mới có điều kiện để cung cấp sản phẩm cho các công ty".