Mong 'ATM gạo' trở thành 'di sản' của người Việt 

(VOH) - Khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, anh Hoàng Tuấn Anh – “cha đẻ” của “ATM gạo”, lại tiếp tục chế tạo ra “ATM khẩu trang” miễn phí phát cho người nghèo.

Đã có hơn 100 máy ATM gạo được anh Tuấn Anh gửi đến các tỉnh, thành trên cả nước để hỗ trợ phát gạo đến người khó khăn, ước tính trao tặng hơn 3.000 tấn gạo với khoảng 1 triệu lượt người nhận.

Song song đó là các máy ATM gạo của các đơn vị khác cũng ra đời với cùng mục đích lan tỏa mô hình ATM gạo miễn phí này. Thông qua Bộ ngoại giao, tác giả “ATM Gạo” Hoàng Tuấn Anh còn mong muốn chuyển tặng máy ATM Gạo đến các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Đằng sau hai sáng chế này còn là tâm nguyện của một người con mong muốn được sống xứng đáng với những gì mà cha mẹ đã cho anh, đó là sự chia sẻ, sự lan tỏa những điều tốt đẹp đến với mọi người. M

VOH trao đổi với anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Vũ Trụ Xanh (PHG Lock) chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng về tinh thần đổi mới sáng tạo vì cộng đồng không ngừng nghỉ của anh.

Mong ATM Gạo trở thành “di sản” của người Việt 

Anh Hoàng Tuấn Anh (áo đen) hướng dẫn bà con đến nhận khẩu trang tại máy ATM Khẩu trang.

*VOH: Ở giai đoạn đầu dịch Covid-19 anh là tác giả máy ATM nhả gạo miễn phí và ở thời điểm này là ATM nhả khẩu trang miễn phí phục vụ cho người dân có nhu cầu, anh chia sẻ nguyên nhân?

- Anh Hoàng Tuấn Anh: Tùy theo tình hình thực tế nhu cầu của xã hội. Thời điểm cách ly xã hội có nhiều người mất việc đột xuất, nên mình muốn có máy ATM phát gạo miễn phí để đảm bảo căn bản nhu cầu lương thực cho họ.

Còn thời điểm này, Nhà nước đưa ra chính sách vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Thật sự thời điểm này mọi người vẫn đi làm bình thường, chỉ có điều sẽ khó khăn hơn, nguy hiểm hơn nếu như họ không được phòng dịch tốt.

Thời điểm này họ phải làm việc vất vả hơn lúc bình thường rồi, hàng ngày mưu sinh việc ăn, ở đã quá mệt mỏi, nên mình nghĩ chuyện phát khẩu trang để cho họ có một công cụ bảo vệ họ phòng chống dịch tốt hơn. Đó là ý nghĩa của ATM gạo, ATM khẩu trang.

*VOH: Việc sáng chế ATM gạo, ATM khẩu trang miễn phí, góp phần trong công tác phòng dịch Covid-19, theo anh có phải là trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng?

- Anh Hoàng Tuấn Anh: Mình suy nghĩ đơn giản, mỗi doanh nghiệp có thế mạnh khác nhau. Doanh nghiệp mình đang làm về kỹ thuật, sáng tạo nên mình cũng sử dụng những sản phẩm, kỹ thuật của mình để áp dụng sao để giải quyết bài toán của xã hội.

10 năm trước khi mình làm về khóa điện tử, mình cũng muốn giải quyết bài toán xã hội: hàng ngày khi người ta đi làm người ta phải lo tìm bóp, chìa khóa, điện thoại….Bây giờ, mình muốn giúp mọi người đỡ mất thời gian trong việc tìm chìa khóa, mình làm khóa điện tử dùng mã số vân tay để mở cửa. Đó là mình giải quyết bài toán xã hội đang trăn trở.

Còn với ATM gạo, ATM khẩu trang thật ra mình không có đóng góp khía cạnh kinh tế nhiều. Tuy nhiên, mình sử dụng những thế mạnh của mình về sản phẩm kỹ thuật để áp dụng và giải bài toán xã hội, đó là có nhiều mạnh thường quân muốn đóng góp, nhưng họ cũng sợ vấn đề không đảm bảo về giãn cách xã hội, khả năng lây nhiễm… thì mình giải quyết bài toán đó để giúp họ làm từ thiện được dễ dàng hơn. Còn những người nhận gạo họ cũng nhận được dễ dàng hơn.

*VOH: Ban đầu, đội ngũ kỹ thuật đã mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành máy ATM?

- Anh Hoàng Tuấn Anh: Khi mình hay tin thành phố yêu cầu mọi người dân đeo khẩu trang thì mình thấy đây là chính sách đúng đắn. Là một doanh nghiệp, mình cũng mong muốn đóng góp gì đó để chính sách đó được thực hiện tốt hơn.

Mình đã yêu cầu và cùng đội ngũ lắp đặt trong vòng buổi chiều. Buổi trưa chúng tôi họp, đến 5 giờ chiều thì đã ra được sản phẩm demo và đã vận hành được.

*VOH: ATM gạo miễn phí hiện nay cũng đã được lan tỏa, nhân rộng ở nhiều địa phương trên cả nước, điều này mang lại cho anh cảm xúc gì?

- Anh Hoàng Tuấn Anh: Với ATM nhả gạo, ban đầu mình suy nghĩ đó là sản phẩm từ thiện. Ngay từ đầu ra mắt, mình cũng đưa những nguyên lý vận hành của máy này, vì vậy có cả chục, cả trăm công ty dựa trên nguyên lý này để tạo nên nhiều ATM gạo khác, đã tạo được nhiều điểm phát gạo miễn phí.

Với máy ATM khẩu trang mình cũng làm như vậy. Mình chỉ nghĩ đơn giản, đây là một sản phẩm do bên mình làm ra nhưng mang tính chất từ thiện nên không đặt nặng vấn đề kinh tế hay gì khác trên sản phẩm. ATM gạo đã trở thành một “di sản” của người Việt mình rồi, chứ không chỉ riêng bản thân cá nhân mình.

ATM – bản thân nó chỉ là một cái máy, nhờ lòng trắc ẩn của mạnh thường quân bỏ gạo vào thì máy mới được hoạt động hết công suất và lan tỏa được nhiều tỉnh thành như vậy. Công sức của mạnh thường quân là chính, mình chỉ như chất xúc tác để giúp nó chạy tốt hơn thôi.

*VOH: Sự đóng góp của mạnh thường quân mới làm nên giá trị của ATM gạo, tuy nhiên vai trò của người sáng tạo ATM như một cầu nối là rất quan trọng. Quay trở lại hai máy ATM gạo và ATM khẩu trang, còn câu chuyện nào đằng sau những hành động cho đi này hay không?

- Anh Hoàng Tuấn Anh: Thật sự trong cuộc sống này, mình đã nhận rất nhiều, nhất là từ ba mẹ mình. Ba mẹ bao nhiêu năm từ bàn tay trắng cho 3 đứa con đi du học. Mình nghĩ mình nhận được từ ba mẹ rất nhiều thứ, cho nên mình suy nghĩ phải làm gì đó. Vừa rồi, khi mình làm ATM gạo – cũng là giỗ đầu của mẹ mình, nên mình cũng muốn làm một cái gì đó để tưởng nhớ đến bà, mình nhận từ bà nhiều thứ từ tình yêu thương, sự chia sẻ….Mình muốn chia sẻ điều đó cho xã hội.

*VOH: Từ ATM gạo cho đến ATM khẩu trang, kỳ vọng lớn nhất của anh là gì?

- Anh Hoàng Tuấn Anh: Mình mong với ATM gạo, ATM khẩu trang này, có thể góp sức cùng đất nước mình sẽ vượt qua đợt dịch lần thứ 2 này. Mọi người vẫn phát triển kinh tế tốt, bảo vệ bản thân gia đình và người xung quanh.

*VOH: Cám ơn anh!

Bài, ảnh: Thùy Linh