Chờ...

Ngành Điện lực TPHCM: Chuyển đổi số để thực hiện mục tiêu "Mọi lúc - Mọi nơi - Mọi việc"

(VOH) - Với phương châm "Mọi lúc - Mọi nơi - Mọi việc", đến cuối 2022, khách hàng Điện lực TPHCM mọi lúc - mọi nơi, 24/7 đều có thể đưa ra các yêu cầu liên quan đến tất cả dịch vụ của ngành điện.

Các cấp quản lý của ngành điện cũng có thể theo dõi, giám sát tình trạng vận hành lưới điện, điều hành và giải quyết các công việc mọi lúc - mọi nơi để phục vụ khách hàng một cách nhanh nhất trên nền tảng công nghệ số.

Ngành Điện lực TPHCM: Chuyển đổi số để thực hiện mục tiêu
Nhân viên EVNHCMC hướng dẫn khách hàng cài đặt App CSKH, một kênh tương tác với điện lực có rất nhiều tính năng tiện lợi, được xây dựng trên nền tảng số.

Chuyển đổi số - Nhiệm vụ không của riêng ai

Thời gian gần đây, cụm từ “chuyển đổi số” được người người, nghề nghề, ngành ngành thường xuyên nhắc đến. Nó được xem như là một xu thế tất yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, là chìa khóa giúp doanh nghiệp tạo ra bứt phá về năng suất lao động, hiệu quả công việc, qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tổng công ty Điện lực TP.HCM là một doanh nghiệp nhà nước không đứng ngoài sân chơi công nghệ này. Mục tiêu của Tổng công ty khi thực hiện chuyển đổi số không nằm ngoài mục tiêu chung của Tập đoàn là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; chất lượng dịch vụ; năng suất lao động; năng lực quản trị.

Với những chuẩn bị hết sức căn cơ, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ cơ bản trở thành doanh nghiệp số với tiêu chí 3M: “Mọi việc – Mọi lúc – Mọi nơi”. Mới đây, trong Hội thảo “Kiến trúc doanh nghiệp và kinh nghiệm chuyển đổi số”, ông Nguyễn Văn Thanh – Tổng Giám đốc, Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 2020-2022, EVNHCMC sẽ tập trung mọi nguồn lực cần thiết để triển khai thực hiện “Chuyển đổi số”và xác định 04 mục tiêu trung tâm chuyển đổi số đến năm 2022 bao gồm: Khách hàng làm trung tâm; Tài sản làm trung tâm; Người lao động làm trung tâm; Và dữ liệu làm trung tâm. Ban lãnh đạo EVNHCMC quyết tâm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp, ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin cho mọi hoạt động từ phân phối, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, phấn đấu đến hết năm 2022 hoàn thành cơ bản quá trình chuyển đổi số.

“Chuyển đổi số là câu chuyện không của riêng ai. Đây là nhiệm vụ trọng tâm mà tập thể lãnh đạo và người lao động EVNHCMC đặt ra để quyết tâm đạt được mục tiêu chuyển đổi số theo đúng lộ trình”, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết.

Những ứng dụng thực tiển đã mang lại hiệu quả

Việc tích hợp công nghệ và kỹ thuật số vào các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã được nghiên cứu, từng bước triển khai và là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2021-2025.

Trước năm 2000, công tác số hóa, ứng dụng kỹ thuật số đã diễn ra rất mạnh mẽ tại Tổng công ty. Đến nay, Tổng công ty đã triển khai nhiều cải tiến dịch vụ, cải cách thủ tục hành chính. Nổi bật là rút ngắn thời gian cấp điện, đa dạng hoá các hình thức thu tiền điện, mở rộng nhiều kênh giao dịch khách hàng, chăm sóc khách hàng qua App thiết bị thông minh, ký hợp đồng mua bán điện bằng hình thức điện tử.

Mới đây nhất, chương trình cuộc gọi định danh (Voice Brandname) sẽ giúp khách hàng nhận diện thương hiệu Tổng công ty Điện lực TPHCM khi nhân viên ngành điện lê hệ qua điện thoại để thực hiện công tác.

Đầu tháng 9/2021, Tổng công ty cũng đã đưa vào sử dụng sản phẩm chuyển đổi số đơn giản, nhanh chóng, tiện lợi trong giao tiếp với khách hàng. Đó là danh thiếp điện tử (e-Namecard). Ứng dụng đã góp phần chuyên nghiệp hoá trong giao tiếp, hạn chế tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 và cũng là một giải pháp chống giả mạo nhân viên ngành điện. e-Namecard giúp khách hàng nhanh chóng xác định chính danh nhân viên điện lực khi giao tiếp.  

Ngành Điện lực TPHCM: Chuyển đổi số để thực hiện mục tiêu
Danh thiếp điện tử e-Namecard – một sản phẩm chuyển đổi số của EVNHCMC.

Trong công tác quản lý kỹ thuật, từ nay đến 2025, Tổng công ty Điện lực TP.HCM sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cấp hệ thống ứng dụng Quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện (PMIS); Ứng dụng DAS để tự động hóa 75% lưới điện phân phối vào năm 2022; ứng dụng CBM đối với TBA 110/22kV nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tài sản. Xây dựng Dashboard và các ứng dụng hiện trường (Digital Workforce); Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong công nghệ xử lý và nhận diện hình ảnh để kiểm tra và phân tích trạng thái hoạt động của lưới điện…

Ông Đức Đỗ, Giám đốc ETLabs (Australia), chuyên gia chuyển đổi số và kiến trúc doanh nghiệp nhận định, Tổng công ty Điện lực TPHCM có rất nhiều thuận lợi trong công tác chuyển đổi số. Ban lãnh đạo có tư duy chiến lược táo bạo, sâu sát, chi tiết, nhiệt tâm cao với hành trình chuyển đổi số. Đội ngũ lao động Tổng công ty giàu kinh nghiệm kỹ thuật, cầu thị, tư duy mở. Tổng công ty có tầm nhìn chiến lược về nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và ý thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số.

Chuyên gia gợi ý, Tổng công ty cần đưa ý tưởng chuyển đổi số được xuyên suốt đến từng nhân viên, sớm xây dựng đề án kiến trúc doanh nghiệp số, xây dựng đội ngũ hạt nhân và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc - Tổng công ty Điện lực TPHCM nhấn mạnh, lộ trình chuyển đổi số của Tổng công ty đang đi đúng hướng.

Muốn chuyển đổi số thành công phải dựa trên các công nghệ hiện đại, tiên tiến, với phương châm 3M: “Mọi lúc – Mọi nơi – Mọi việc” để thực hiện bằng được mục tiêu cơ bản trở thành doanh nghiệp số vào năm 2022.

Tổng công ty đã phát động phong trào thi đua tìm kiếm ý tưởng, sáng kiến về chuyển đổi số. Phong trào thi đua diễn ra từ đây đến tháng 9/2022. Đây cũng là một hoạt động về chuyển đổi nhận thức người lao động về chuyển đổi số và hướng đến mục tiêu năm 2022, Tổng công ty Điện lực TP.HCM trở thành doanh nghiệp số và đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số toàn diện.