Nhiều giải pháp sáng tạo thiết thực phục vụ đời sống xã hội

(VOH) - Một năm vừa qua, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cộng đồng khởi nghiệp tại TPHCM đã có những sự phát triển vượt bậc với nhiều dự án, giải pháp đổi mới sáng tạo thiết thực.

Nhiều giải pháp đã và đang được ứng dụng vào trong các lĩnh vực, góp phần giải quyết các bài toán mà thực tế xã hội đặt ra, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế thành phố phát triển.

Hiện nay, công tác quản lý và theo dõi diễn biến rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ được hỗ trợ tích cực trên cơ sở ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS… Kết quả ứng dụng hệ thống thông tin địa lý đã và đang góp phần quan trọng trong việc quản lý và phát triển bền vững hệ sinh thái Rừng ngập mặn Cần Giờ.

nhieu-giai-phap-sang-tao-thiet-thuc-phuc-vu-doi-song-xa-hoi-voh.com.vn-anh1
Vị trí và hình ảnh cây rừng trong các ô điều tra rừng trên phần mềm Google Earth. (Ảnh: doimoisangtao)

Theo ông Bùi Nguyên Thế Kiệt, Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, giải pháp ứng dụng phần mềm Google Earth và Mapinfo được đề xuất triển khai nhằm giải quyết những hạn chế trên và bước đầu đã mang lại những kết quả đầy khích lệ. Việc ứng dụng phần mềm Google Earth và Mapinfo đã cung cấp dữ liệu không gian và phi không gian về thực vật rừng nhằm thực hiện hiệu quả công tác giám sát, theo dõi diễn biến rừng, đặc biệt là công tác bảo tồn đa dạng sinh học, và đánh giá khả năng lưu giữ, hấp thụ carbon của cây rừng. Dữ liệu xây dựng góp phần cung cấp thông tin trực quan đối với nhà quản lý về hiện trạng rừng, thông qua đó góp phần báo cáo kịp thời, chính xác và hỗ trợ nhà quản lý đưa ra các kế hoạch, đề án quản lý và phát triển tài nguyên rừng phù hợp và đạt yêu cầu so với thực trạng hiện hữu. Vì vậy, trong những năm tiếp theo, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý tài nguyên rừng là xu hướng tất yếu nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý và phát triển tài nguyên Rừng ngập mặn Cần Giờ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố.

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là các công nghệ mới đều đem lại hiệu quả tối ưu, góp phần chuyển đổi số trong các lĩnh vực. Trong đó, việc ứng dụng các công nghệ 4.0 vào việc giảng dạy thật sự là cần thiết và phù hợp với xu thế các công nghệ mới hiện nay. Với phương pháp học tập truyền thống, việc học tập các chuyên ngành kỹ thuật như môn vẽ kỹ thuật, thiết kế máy, các môn thiết kế hệ thống điều hòa không khí trong chuyên ngành nhiệt lạnh hầu như sinh viên rất khó có thể hình dung được các ứng dụng hoặc các sản phẩm thực tế trong quá trình học tập của mình, cũng như việc kiểm tra lại thiết kế sau khi tính toán.

Với giải pháp ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường trong giảng dạy chuyên ngành nhiệt lạnh, Thạc sĩ Cao Trung Hậu, Khoa Công nghệ Nhiệt Lạnh, Đại học Công Nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, giải pháp đã giúp cho giảng viên bổ sung thêm phương pháp giảng dạy mới, đồng thời giúp người học thêm hứng thú với môn học chuyên ngành: “Hiện nay, tại Khoa Công nghệ Nhiệt Lạnh của trường đã và đang dần áp dụng các công nghệ này để phục vụ công tác giảng dạy cho sinh viên. Ngoài ra, bản thân mình cũng đang tiếp tục nghiên cứu các công nghệ tiếp theo như công nghệ thực tế hỗn hợp, công nghệ Scan 3D để phục vụ giảng dạy cho sinh viên, cũng như đào tạo cho doanh nghiệp trong thời gian tới nhằm giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh trên thị trường”.

nhieu-giai-phap-sang-tao-thiet-thuc-phuc-vu-doi-song-xa-hoi-voh.com.vn-anh2
Giải pháp CovidPass.vn cho phép mỗi cá nhân sở hữu mã QR Blockchain như là một chứng nhận số an toàn sức khỏe. (Ảnh chụp màn hình)

Đặc biệt, trong số đó là nhiều giải pháp có tính ứng dụng cao góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đơn cử, với giải pháp CovidPass.vn cho phép mỗi cá nhân sở hữu mã QR Blockchain như là một chứng nhận số an toàn sức khỏe, bảo mật thông tin cá nhân, chống giả mạo, xác thực chính xác thông tin thông qua "hộ chiếu Covid" cho việc an toàn vận chuyển, du lịch trong và ngoài nước thúc đẩy hồi phục kinh tế hậu Covid.

Theo ông Đỗ Văn Long, Giám đốc điều hành công ty Vietnam Blockchain, từ đầu năm 2020, nhóm nghiên cứu của Vietnam Blockchain đã nghiên cứu CovidPass.vn, với mong muốn ứng dụng công nghệ vào giải quyết bài toán rất nóng hiện nay của xã hội, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh.

“Dự án với kỳ vọng công nghệ Blockchain mã hóa những dữ liệu số của những kết quả xét nghiệm của người đã xét nghiệm, đưa những dữ liệu số đã được mã hóa này lên trên hệ thống Blockchain để liên thông xét nghiệm và liên thông bằng chứng của kết quả xét nghiệm tới các đơn vị xung quanh, góp phần giảm thiểu chi phí và thời gian. Trong đó, thao tác người dân rất đơn giản, chỉ cần quét mã QR giống như khai báo y tế” – CEO Đỗ Văn Long bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2021, Sở đã thúc đẩy phát triển hạ tầng dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tập trung hình thành các hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo của các lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm, các công nghệ và các sản phẩm Đổi mới sáng tạo có lợi thế cạnh tranh hoặc có tiềm năng phát triển của thành phố.          

Có thể nói, với những giải pháp đổi mới sáng tạo thiết thực đã và đang được ứng dụng vào trong các lĩnh vực về môi trường, giáo dục, xã hội,… như trên đã góp phần giải quyết các bài toán mà thực tế xã hội đặt ra hiện nay, khi mà nước ta nói chung và TPHCM nói riêng đang trong quá trình chuyển đổi số thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực, để từng bước hoàn thiện cấu trúc chính quyền điện tử, phục vụ mục tiêu chiến lược xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, đặc biệt trong giai đoạn TPHCM thích ứng an toàn, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế.