Hiệu quả từ kết nối cung cầu: Đưa khoa học công nghệ vào đời sống

(VOH) - Ứng dụng khoa học và công nghệ đã thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu thời gian qua.

Tại TP.HCM, để thúc đẩy phát triển thị trường doanh nghiệp khoa học công nghệ, thành phố đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các bên tham gia thị trường khoa học công nghệ. Trong số đó, Sàn giao dịch công nghệ TP.HCM được Trung tâm Thông tin và thống kê Khoa học công nghệ TP.HCM (CESTI, trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) vận hành trong thời gian qua, đã có nhiều làm cách làm hay và sáng tạo trong việc thúc đẩy kết nối cung cầu công nghệ trên địa bàn thành phố.

hieu-qua-tu-ket-noi-cung-cau-dua-khoa-hoc-cong-nghe-vao-doi-song-voh.com.vn-anh1
Doanh nghiệp KH-CN giới thiệu sản phẩm tại Chợ công nghệ Techmart chuyên ngành "Công nghệ sau thu hoạch" do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học công nghệ TP.HCM (CESTI, trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức. (Ảnh: SGGP)

Từ năm 2020, TP.HCM đã triển khai nhiều mô hình hoạt động hợp tác công nghệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ đến các doanh nghiệp sản xuất, nhà đầu tư; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ tiếp cận đồng thời với nhiều chuyên gia, đơn vị cung ứng để có được những giải pháp công nghệ phù hợp với năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Theo bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc CESTI cho biết: “Sàn giao dịch công nghệ được xem là một trong các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, là nền tảng cho các hoạt động tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, thương mại hóa công nghệ”.

Khi doanh nghiệp có ý tưởng hoặc sản phẩm mẫu, xác định được quy mô sản xuất, CESTI sẽ vận hành quy trình xử lý và kết nối nhanh chóng doanh nghiệp với các nhà cung ứng thích hợp; kiến tạo những hoạt động tiếp xúc, trao đổi, tư vấn cụ thể, giúp các bên sớm đạt được đồng thuận và đưa nhanh công nghệ ứng dụng vào thực tiễn. Cách làm hay và sáng tạo này đã giúp kết nối được nhiều đơn vị cung – cầu trong thời gian vừa qua.

Đầu tháng 3/2021, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đã lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống nuôi lươn thương phẩm không bùn bằng hệ thống tuần hoàn nước, đồng thời chuyển giao quy trình kỹ thuật ươn lươn giống và nuôi lươn thương phẩm - sử dụng trong hệ thống nuôi cho Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang. Quá trình thi công lắp đặt chỉ trong 5 ngày, thời gian tiến hành cấy vi sinh để xử lý nước mất khoảng 10 ngày, để hệ thống có thể vận hành và thả lươn vào nuôi ngay. Kết quả của quá trình này bắt nguồn từ hội thảo “Ứng dụng công nghệ xanh - lọc nước tuần hoàn trong nuôi trồng thủy hải sản”, diễn ra vào đầu tháng 11 năm ngoái, trong khuôn khổ Chợ Công nghệ và Thiết bị chuyên ngành Công nghệ sinh học 2020, do CESTI làm đầu mối liên hệ. Đưa lươn từ đồng ruộng vào nuôi trong nhà là phương thức sản xuất nông nghiệp hiện đại ứng dụng công nghệ mới, giúp tách biệt lươn với môi trường bên ngoài vốn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người nuôi. Vì thế, hệ thống nuôi lươn thương phẩm không bùn bằng hệ thống tuần hoàn nước là giải pháp hạn chế mầm bệnh và kiểm soát tốt chất lượng lươn nuôi, không cần sử dụng đến kháng sinh trong quá trình nuôi, cho chất lượng thủy sản đồng đều và sạch, đáp ứng tốt tiêu chuẩn về chất lượng để tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu. Sau hệ thống nuôi lươn, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II tiếp tục lắp đặt hệ thống nuôi cua thương phẩm cũng ứng dụng hệ thống tuần hoàn nước cho Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Tiền Giang.

Một kết quả nổi bật khác mà CESTI đã mang lại, đó là kết nối thành công việc chuyển giao công nghệ sản xuất ca cao cho doanh nghiệp. Trước đó, Công ty TNHH Cà phê Hương Quê Đăk Nông đã gửi yêu cầu đến CESTI để hỗ trợ tìm mua máy sản xuất ca cao quy mô nhỏ. Qua sàng lọc khả năng cung ứng của các đơn vị tham gia Sàn giao dịch công nghệ TP.HCM, CESTI đã kết nối nhu cầu này đến Công ty TNHH Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam – nhà cung cấp hệ thống máy sản xuất ca cao từ khâu sơ chế đến nghiền bột mịn với quy mô vừa và nhỏ, theo yêu cầu. Thông tin sơ bộ về hệ thống máy móc thiết bị và chào giá được chuyển ngay đến doanh nghiệp tìm mua. Ngay sau đó, CESTI tổ chức buổi gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giữa các bên để làm rõ về quy trình sản xuất, các loại máy móc cần dùng, công suất và thời gian lắp đặt, hoàn thiện. Cũng tại đây, CESTI tư vấn cho các bên về pháp lý hợp đồng, đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên cung - cầu công nghệ, với những nội dung chi tiết, cụ thể. Nhờ vậy, hợp đồng chuyển giao thiết bị và công nghệ sản xuất ca cao đã được các bên ký kết chỉ sau 4 ngày làm việc. Hợp đồng trị giá gần 250 triệu đồng không chỉ giúp đưa nhanh công nghệ chế biến ca cao vào sản xuất tại Công ty TNHH Cà phê Hương Quê Đăk Nông, mà còn tạo ra tiền đề cho những hợp tác sau này giữa các bên cung – cầu công nghệ mở rộng chế biến bột ca cao thành nhiều loại thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ đa dạng của thị trường.

Hiệu quả kinh tế ở lần chuyển giao công nghệ đầu tiên là động lực lớn cho cả đơn vị hỗ trợ và nhà cung ứng chủ động kết nối, chuyển giao cho những khách hàng mới. Theo đó, vào tháng 3/2021, CESTI tổ chức buổi kết nối nhằm cung cấp thông tin về giải pháp và thiết bị sản xuất ca cao cho một nhóm bạn trẻ có mong muốn thành lập doanh nghiệp sản xuất tham gia vào thị trường chế biến ca cao ở Việt Nam. Nhà cung ứng là Công ty TNHH Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam. Tại buổi làm việc, nhóm khởi nghiệp đã được chia sẻ về quy trình chế biến ca cao bằng hệ thống máy tự động, cũng như được tham vấn về việc chọn lựa công nghệ và các loại thiết bị cần dùng trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Ngoài ra, để hỗ trợ cho nhóm khởi nghiệp có cơ hội tiếp cận và làm quen trực tiếp với quy trình chế biến ca cao, Công ty TNHH Cơ khí Nông nghiệp Việt Nam đồng ý cho thử vận hành thiết bị trước khi chính thức đi vào nhận chuyển giao. Đây chính là cơ sở để nhóm khởi nghiệp tính toán cách làm, cũng như tính toán chi phí đầu tư hợp lý cho từng giai đoạn phát triển.

Việc đưa những ứng dụng khoa học công nghệ góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội cho TP.HCM và các địa phương, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Trong năm tới, Sở sẽ tiếp tục phát huy và đa dạng hóa những nội dung, hình thức, đặc biệt là tăng cường chuyển đổi số mạnh mẽ để nhằm đáp ứng nhu cầu và mục tiêu đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng đi vào cuộc sống, giúp cho doanh nghiệp và cộng đồng ngày càng phát triển”.

Việc phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng sâu rộng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào việc phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước nói chung và đặc biệt tại TPHCM cần tiếp tục được chú trọng thực hiện để tạo sự đột phá trong phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ lực, nâng cao sức cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng tầm vị thế kinh tế trong khu vực và thế giới.

Bình luận