Năm 2023 đã ghi dấu ấn nhiều kết quả của hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các lĩnh vực. Nhiều thành tựu khoa học công nghệ ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực đem lại hiệu quả cao trong sản xuất sinh hoạt đời sống người dân.
Phát triển thành công hệ thống dịch thuật tiếng Việt và ngôn ngữ Đông Nam Á
Trong năm 2023, nhóm nghiên cứu Viện Công nghệ thông tin (CNTT), thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đã phát triển thành công hệ thống dịch thuật lấy tiếng Việt làm trung tâm, có khả năng dịch thuật hai chiều giữa tiếng Việt và các ngôn ngữ nghèo tài nguyên của Đông Nam Á với chất lượng tương đương với các sản phẩm thương mại nổi tiếng trên thế giới.
Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống đã có khả năng dịch hai chiều giữa các cặp ngôn ngữ bao gồm Việt - Lào, Việt - Khmer, Việt - Thái, Việt - Malaysia và Việt - Indonesia.
Các ngôn ngữ như tiếng Lào, tiếng Thái và tiếng Khmer mang lại những thách thức rất lớn khi xây dựng mô hình dịch máy, không chỉ vì sự khan hiếm của dữ liệu song ngữ mà còn vì những ngôn ngữ này rất phong phú về mặt hình thái, thiếu sự phân tách từ, phân tách câu và tính đa nghĩa.
Mô hình của dịch máy của Viện CNTT đã học được cách thích ứng với tất cả những đặc điểm đặc biệt này của các ngôn ngữ nói trên.
Hệ thống dịch máy có thể dễ dàng mở rộng sang các ngôn ngữ đích mới bao gồm các ngôn ngữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam như tiếng Mường, tiếng Thái,… và cả các ngôn ngữ nước ngoài phổ biến như tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nga khi cần. Đặc biệt, hệ thống có khả năng tinh chỉnh để thích ứng với các miền ngôn ngữ chuyên sâu như y tế, luật… theo yêu cầu riêng.
Phục dựng hình ảnh 3D thành công kiến trúc cung điện Kính Thiên thời Lê Sơ
Viện Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã công bố "Nghiên cứu giải mã và phục dựng hình ảnh 3D thành công kiến trúc cung điện Kính Thiên thời Lê Sơ".
Nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc điện Kính Thiên, tòa chính điện quan trọng nhất trong Cấm thành Thăng Long thời Lê sơ, là chương trình nghiên cứu khoa học rất nghiêm túc, công phu của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Kính thành. Trong suốt hơn 3 năm (2020 - 2023), trên cơ sở các nguồn tư liệu tin cậy của khảo cổ học, đặc biệt là kết quả nghiên cứu so sánh với kiến trúc cung điện cổ ở Đông Á, nghiên cứu mặt bằng nền móng, bộ khung giá đỡ mái, hình thái bộ mái, các loại ngói lợp mái, các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Kinh thành đã giải mã và phục dựng 3D thành công hình thái kiến trúc điện Kính Thiên.
Kết quả nghiên cứu này đã đóng góp quan trọng và thiết thực trong việc quảng bá hình ảnh di sản Hoàng thành Thăng Long, giúp hình dung rõ ràng hơn, cảm nhận sâu hơn về vẻ đẹp độc đáo, tráng lệ và kỳ bí của kiến trúc điện Kính Thiên thời Lê sơ trong Hoàng cung Thăng Long xưa, mang lại niềm tự hào về tài năng và trí tuệ sáng tạo của cha ông, góp phần làm sáng rõ và sâu sắc hơn giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, đưa giá trị di sản đến gần hơn với công chúng, tạo sự lan tỏa các giá trị văn hóa của Kinh đô Thăng Long, của Thủ đô Hà Nội - nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng các giá trị văn hiến của đất nước.
Công nghệ sơn phản xạ nhiệt dùng vật liệu nano
Viện Kỹ thuật nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam phát triển thành công công nghệ sơn phản xạ nhiệt mặt trời.
Với cấu trúc bao gồm các hạt nano phản xạ nhiệt cao phân tán xen kẽ giữa các hạt micro tạo nên cấu trúc chặt khít trong nền polyme trong suốt, lớp phủ có độ phản xạ trong vùng hồng ngoại gần cao, do đó khi sử dụng sơn phản xạ nhiệt nano nhiệt độ bề mặt bồn thép có thể giảm từ 10 đến 19 độ C và nhiệt độ trong bể khoảng từ 8 đến 15 độ C so với khi sử dụng sơn thông thường. Ngoài ra, độ bền thời tiết của sơn nano cao hơn 1500 giờ thử nghiệm gia tốc thời tiết.
Các sản phẩm sơn phản xạ nhiệt mặt trời của Viện Kỹ thuật nhiệt đới (ký hiệu ITT) đã được phía Công ty SuzukaFine (1 trong 5 công ty lớn nhất về sơn của Nhật Bản) thử nghiệm và đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn Nhật Bản JIS K 5675.
Kết quả phân tích cho thấy các mẫu sơn phản xạ nhiệt mặt trời phát triển bởi Viện Kỹ thuật nhiệt đới có độ phản xạ nhiệt cao hơn nhiều so với các loại sơn phản xạ nhiệt mặt trời thương mại trong nước và quốc tế.
Việc ứng dụng sơn phản xạ nhiệt mặt trời thích hợp cho bề mặt ngoài các công trình xây dựng, các bồn bể chứa nhiên liệu/hóa chất lỏng dễ bay hơi là một giải pháp hiệu quả và chi phí thấp để chống lại hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, có thể tiết kiệm tới 40% năng lượng tiêu thụ bởi thiết bị làm mát, chống thất thoát nhiên liệu dễ bay hơi góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, ngăn chặn biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững.
Phát triển hệ thống tích hợp xử lý nước nhiễm phèn, nhiễm mặn
Công nghệ lọc nước nhiễm phèn và nhiễm mặn đã được Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) và Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) cùng nghiên cứu từ năm 2021, trải qua nhiều quá trình thử nghiệm trên nhiều vùng nhiễm mặn và nhiễm phèn khác nhau, tại đồng bằng sông Cửu Long đến tháng 9 năm 2023, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) đã tối ưu hóa và hoàn thiện công nghệ để xử lử lý nước nhiễm phèn, nhiễm mặn tại đồng bằng sông Cửu Long.
Công nghệ được tích hợp hệ thống keo tụ, lắng, kết hợp hệ vi lọc, hệ lọc RO và cuối cùng là khử khuẩn bằng đèn UV trước khi đưa vào bình chứa nước sạch để sử dụng. Toàn bộ hệ thống được thiết kế trong container 20 feet, dễ dàng di chuyển, bảo đảm tính di động, đáp ứng nhu cầu cấp nước ăn, uống cho trường học, cụm dân cư, công sở và khu công nghiệp. Hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm chi phí vận hành. Hệ thống được thiết kế thông minh, chế độ vận hành tự động, dễ sử dụng. Hệ thống xử lý nước phèn, nước lợ thành nước sạch, đạt tiêu chuẩn nước ăn uống theo Quy chuẩn của Bộ Y tế với công suất 12 khối/ngày đêm.
Công nghệ ban đầu đã được triển khai thử nghiệm tại trường tiểu học Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre, hệ thống vận hành ổn định và cung cấp nước cho trên 500 học sinh.
Nhờ quá trình tối ưu hóa này, chi phí vận hành để sản xuất 1 khối nước sạch đã giảm xuống 1400 đồng.
Viettel triển khai thành công trạm thu phát sóng 5G theo tiêu chuẩn Open RAN đầu tiên trên thế giới
Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (Viettel High Tech), thuộc Tập đoàn Viettel công bố triển khai thành công trạm 5G đầu tiên trên mạng lưới sử dụng công nghệ chip ASIC hỗ trợ chuẩn mở Open RAN cho thiết bị vô tuyến 5G của Qualcomm.
Viettel là đối tác đầu tiên trên thế giới triển khai sản phẩm Qualcomm vào mạng lưới với người dùng thực, tải dữ liệu thực. Đây là bước đột phá lớn không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn với thế giới, bởi từ giai đoạn nghiên cứu, phát triển đến khi thành công trên mạng lưới thật, Viettel chỉ hoàn thiện trong vòng 8 tháng, kể từ thời điểm Viettel và Qualcomm công bố hợp tác chiến lược về 5G tại Hội nghị Di động thế giới MWC 2023 Barcelona, Tây Ban Nha hồi tháng 2/2023.
Kết quả này sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình thương mại hóa mạng 5G tại Việt Nam và thị trường quốc tế bằng một phần thiết bị 5G trong nước sản xuất vào năm 2024.