(Phần 2) Cơ sở vật chất y tế công- "chiếc áo quá chật"

(VOH) - Dù các bệnh viện không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng điều trị, cải cách thủ tục hành chính tuy vậy với diện tích, cơ sở vật chất mấy chục năm không thay đổi đã khiến các giải pháp này không phát huy hết hiệu quả.

(Phần 2) Cơ sở vật chất y tế công- "chiếc áo quá chật" 1

Bí thư Thành ủy Đinh la Thăng kiểm tra tiến độ công trình bệnh viên Nhi Đồng TPHCM tại Bình Chánh. 

Bình cũ, rượu cũng cũ

Theo bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc bệnh viện Nhân dân 115, hiện số lượng bệnh nhân từ các tỉnh về thành phố từ 40% - 60% do đó đầu tư cho thành phố là cho cả khu vực phía Nam.

“Muốn phát triển phải đầu tư. Mình yêu cầu các bệnh viện TPHCM phải dẫn đầu kỹ thuật cao nhưng cả những bệnh viện đang phát triển tốt cũng chưa đủ sức đầu tư cơ sở vật chất”, ông Báu thừa nhận. 

Là điểm "nóng" quá tải suốt hàng chục năm khi mỗi ngày nhận từ 5.000 đến 8.000 trẻ, giám đốc bệnh viện Nhi đồng 1- bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng tâm tư về sự khốn khó của bệnh nhi và hơn 1.700 cán bộ, bác sĩ bởi môi trường làm việc lúc nào cũng chật chội, ngồn ngộn hơi người, nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao.

“Đến nay, bệnh viện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập nhưng diện tích chỉ 17m2/1 giường thôi. Chúng tôi tận dụng hết sức hạ tầng, đổi mới phong cách phục vụ, kỹ thuật nâng cao thế nhưng chiếc áo đã quá chật”.

“Bình cũ, rượu cũng cũ”, đó là ví von của giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương- bác sĩ Võ Đức Chiến khi nói đến cơ sở vật chất của các bệnh viện công đang quá tải.

Vào bệnh viện Ung bướu, ông Chiến chua xót và khó chấp nhận cảnh bệnh nhân nằm la liệt trên giường, dưới gầm giường, hành lang, ghế đá…Bệnh viện này có thể nói vượt tầm địa phương, choàng gánh cả phía Nam. 

"Nếu chúng ta cho là TP của  cả nước, phục vụ người dân thì hiện nay có bao nhiêu bệnh viện công được xây dựng, đầu tư đúng mức xem bệnh nhân là trọng tâm”, ông Chiến hỏi. 

Dự án dàn hàng ngang

Nhiều năm qua, TP ưu tiên đầu tư mở rộng mạng lưới hệ thống bệnh viện công ra ngoại thành, giảm áp lực cho nội thành. Ngoài một số công trình hoàn thành trong năm 2015 thì hàng loạt công trình đang thi công như khu khám, chẩn đoán điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Ung bướu, dự án mở rộng bệnh viện Tai Mũi Họng; xây dựng mới bệnh viện quận Gò Vấp, bệnh viện huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức.

Quan trọng hơn là dự án xây mới bệnh viện Nhi đồng TP, cơ sở 2 bệnh viện Ung bướu, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. Song các dự án đều dàn hàng ngang động thổ nhưng bao giờ hoàn thành thì chưa thể nói trước được.

Có rất nhiều công trình sau nhiều năm vẫn giậm chân tại chỗ, những háo hức ban đầu về một cơ cở khang trang, hiện đại cũng nguội dần. Nhiều bác sĩ từng quản lý bệnh viện phân tích, bệnh nhân tìm đến mình, ngoài tay nghề bác sĩ thì người ta còn đánh giá chất lượng dịch vụ gắn với cơ sở hiện đại, sạch đẹp.

Thời gian qua, vì chưa làm được điều này nên lượng bệnh nhân đổ ra nước ngoài trị bệnh cũng khá nhiều.

Trong nhiều hội nghị, đại diện các cơ sở y tế đề nghị thành phố muốn phát triển ngành phải đầu tư cơ sở vật chất cho các bệnh viện. Suy cho cùng, không có bất kỳ giải pháp nào hữu hiệu bằng phát triển, xây mới các cơ sở y tế khu vực nội đô đã quá cũ kỹ.

Đại biểu Quốc hội, phó giám đốc Sở Y tế TP Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận: “Tại sao cho xây dựng khách sạn, trung tâm thương mại nhưng bệnh viện, trường học thì không. Đừng đổ lổi cho kẹt xe vì xây dựng khách sạn, trung tâm thương mại cũng kẹt xe như thường”.

Xã hội hóa mạnh mẽ

Từ những ngày đầu mới nhận chức, y tế là một lĩnh vực mà Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng quan tâm nhất. Sau các buổi làm việc, tiến độ xây dựng các bệnh viện được ông đặt lên hàng đầu. Đây cũng là nội dung  Nghị quyết Đảng bộ TP đề ra trong nhiệm kỳ này trong đó ngoài ngân sách nhà nước thì xã hội hóa cũng cần được huy động.

“Xã hội hóa phải làm rất mạnh, đừng sợ chệch hướng, không sợ mất định hướng xã hội chủ nghĩa. Định hướng XHCN là làm con người sống ấm no, hạnh phúc. Chúng ta không phân biệt các thành phần kinh tế, cho nên tôi đề nghị đầu tư cho bệnh viện phải hết sức khẩn trương”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nói.

Để giảm quá tải tại các bệnh viện, căn cơ nhất chính là "may" một chiếc áo mới - thay thế cho chiếc áo quá chật đã và đang phô ra nhiều khiếm khuyết. Bên cạnh xây mới, hệ thống y tế cơ sở quận, huyện cũng đến lúc cần sửa sang để "chia lửa" cho bệnh viện lớn đang oằn mình vì quá tải.