Đăng nhập

(Phần 1) Một bài toán đa giải pháp

(VOH)- Tính đến nay, ngành y tế TP đang đảm nhận nhiệm vụ khám chữa bệnh hơn 40% lượng bệnh nhân từ các tỉnh thành phía Nam, đó chưa kể lượng dân nhập cư lớn đổ về TP sinh sống. Chính vì thế, chuyện quá tải ở hệ thống bệnh viện công ở TPHCM là điều hiển nhiên.

Quá tải - năm sau cao hơn năm trước

Hàng năm, ngành y tế TP chăm sóc sức khỏe hơn 30 triệu lượt bệnh nhân, trong đó có 40% - 60% người bệnh đến từ các tỉnh phía Nam và miền Trung. Tình hình quá tải của các bệnh viện Thành phố không hề suy giảm, năm sau luôn cao hơn năm trước, đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây.

Tính riêng năm 2015, các bệnh viện TP phải "gồng gánh" trên 34 triệu lượt bệnh nhân, chiếm 23% tổng số khám chữa bệnh cả nước. Những điểm nóng "nổi tiếng" như bệnh viện Ung bướu, Chấn thương Chỉnh hình, 2 bệnh viện Nhi và Từ Dũ... công suất giường bệnh trong tình trạng vượt chỉ tiêu trên 100%, có thời điểm lên đến 170-200%.

(Phần 1) Một bài toán đa giải pháp 1Xem toàn màn hình

Quá tải thường xuyên tại bệnh viện Ung bướu, ảnh hưởng đến chất lượng điều trị. ( Ảnh: N.Hương)

Liên kết bệnh viện vệ tinh

Không thế kéo dài tình trạng này, liên tục các giải pháp chống quá tải đồng loạt triển khai, nổi bật nhất là mô hình bệnh viện vệ tinh. Sau 2 năm triển khai, 34 kỹ thuật mũi nhọn (ung bướu, tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi) được chuyển giao các bệnh viện vệ tinh. 

Nhiều bệnh viện gắn kết thành lập bệnh viện vệ tinh như Bệnh viện Nhân dân Gia Định với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng và Trung tâm Y tế - Liên doanh Việt – Nga;  Bệnh viện Từ Dũ  liên kết với Bệnh viện Phụ Sản tỉnh Tiền Giang, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Cà Mau và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng; Bệnh viện Nhi Đồng 1 thành lập vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An, Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau và Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố Cần Thơ; Bệnh viện Ung Bướu thành lập vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa các tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, Khánh Hòa...

Sau 2 năm chuyển giao kỹ thuật và đào tạo chuyên môn, theo bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, Giám đốc Bệnh viện Khánh Hòa, nhiều bệnh nhân thoát chết trong gang tấc. Vừa rồi, chúng tôi mổ thành công một ca mà nếu chuyển đi bệnh nhân chắc chắn chết. Chúng tôi nhờ sự hỗ trợ chỉ đạo từ xa của các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh nhân đã an toàn”, ông Xáng nhớ lại. 

Bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc bệnh viện Ung bướu: “Các bệnh viện vệ tinh đã xây dựng được thương hiệu, người dân tại tỉnh đó và các tỉnh xung quanh sẽ đến. Họ sẽ là đơn vị về ung bướu tầm cỡ khu vực để hút bệnh nhân tại địa phương đó”.

Phó Giáo sư - TS Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho hay, bệnh viện chuyển giao nhiều kỹ thuật mới về các bệnh viện vệ tinh, nhờ vậy lượng bệnh nhân vượt tuyến giảm hẳn:

“Lượng bệnh nhân chuyển về Chợ Rẫy giảm 80-90%. Giảm được thì chi phí giảm nhiều, chưa kể chi phí mổ giảm theo vì chuyển lên tuyến trên, bệnh nhân chờ đợi lâu, bệnh nặng lên, quá tải thì nguy cơ nhiễm trùng cao hơn, rồi các khoản khác cũng làm tăng chi phí điều trị”, ông Tiến phân tích.

Giải pháp "tại chỗ"

“Tăng cường thêm phòng khám, kéo dài thời gian làm việc, cải tiến phương pháp làm việc tại phòng khám, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin ngay từ khâu tiếp nhận, khâu kê đơn và khâu nhận thuốc rút ngắn thời gian chờ”. Đó là cách phục vụ tốt nhất cho người bệnh, TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó giám đốc Sở Y tế TP nhận định. 

Không chỉ vậy, nhiều bệnh viện cử cán bộ "biệt phái" đến bệnh viện quận, huyện; thành lập các phòng khám vệ tinh rồi lan tỏa mô hình bác sĩ gia đình.

Riêng các bệnh viện chuyên khoa - tập trung phần đông quá tải như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, bệnh viện Ung bướu thì đồng loạt cắt cử, đưa gần 600 bác sĩ luân phiên chuyên môn ở nhiều lĩnh vực. Tổng số lượt bệnh nhân được đội ngũ này trực tiếp khám và điều trị nội-ngoại trú gần 177.000 lượt với trên 2.000 ca phẫu thuật, thủ thuật được tiến hành.

“Thứ nhất là tận dụng được trang thiết bị tại cơ sở, thứ hai là tạo sự học hỏi nâng tầm cho bác sĩ trẻ và thứ ba, người ta vững tin điều trị bệnh nhân bằng hình thức hội chẩn với bác sĩ tuyến trên”, bác sĩ Dư Minh Trí, bệnh viện Nhi đồng 1 khẳng định.  

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh, trong giảm tải thì việc nâng cao năng lực tuyến cơ sở là vô cùng quan trọng: “Chúng ta mở thêm bao nhiêu bệnh viện đi chăng nữa nhưng nếu không chuyển giao kỹ thuật cho 63 tỉnh, thành thì tình trạng giảm tải tuyến trên sẽ không triệt để”.

Xét ở góc độ nào đó thì những giải pháp trên chỉ mang tính tức thời, ở phạm vi của từng bệnh viện. Vấn đề là phải có sự sáng tạo, năng động để thoát khỏi "chiếc áo ngày càng chật"- đó là tình trạng cơ sở vật chất. 

Bình luận